Chủ động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 29/10/2019 05:41:04

ĐTO - Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến tỉnh Đồng Tháp ngày càng thể hiện rõ nét. Do vậy, các ngành, các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với thiên tai và BĐKH.


Thi công kè chống xói lở bờ sông Tiền, thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. 
Ảnh tư liệu

Đồng Tháp nằm ở thượng nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những tỉnh được ngành chuyên môn dự báo chịu nhiều tác động của BĐKH. Thực tế những năm qua, tỉnh chịu tác động ngày càng rõ nét bởi BĐKH, gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đến tài nguyên, môi trường, đời sống, sức khỏe của nhân dân trong tỉnh. Hiện tượng thời tiết cực đoan tác động rõ rệt hơn: mùa mưa có xu hướng thất thường, nhiều đợt mưa rất to, mưa bão, lũ lụt, nắng nóng diễn ra bất thường, không theo quy luật. Ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nhiều và nguy hiểm, số lượng những điểm sạt lở tăng, vành đai sạt lở mở rộng, gây thiệt hại lớn. Ước tính mỗi năm, tỉnh Đồng Tháp mất từ 30 - 50ha đất ven sông do tình trạng sạt lở gây ra. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu, nhất là ở các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự. Trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ sạt lở đất dọc bờ bao, kênh, rạch và sông nội đồng. Tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe nhân dân.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm và chủ động lồng ghép công tác BVMT, ứng phó với thiên tai và BĐKH trong xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, còn lồng ghép các chương trình kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long; chương trình cụm, tuyến dân cư... vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. UBND tỉnh chỉ đạo ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực, chủ động ứng phó BĐKH như: tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến BVMT. Đồng thời, ngành chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề đầu tư, áp dụng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; xây dựng, nhân rộng mô hình “Sống chung với lũ”...

UBND tỉnh quan tâm cân đối nguồn vốn cho những dự án, đề tài nghiên cứu và xây dựng công trình, đê bao vượt lũ. Địa phương xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi dự án đầu tư trọng điểm ứng phó với BĐKH; tăng cường xã hội hóa, huy động mọi thành phần kinh tế và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho ứng phó với BĐKH. Tỉnh ưu tiên phân bổ vốn thực hiện nhiều dự án trọng điểm có mục tiêu, nhiệm vụ BVMT, ứng phó BĐKH. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ nhiều nguồn vốn, những dự án nâng cấp hệ thống đê kè chống sạt lở, bảo vệ các khu dân cư được triển khai thực hiện như: dự án phòng, chống sạt lở sông để bảo vệ dân cư tại khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh; nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền (TP.Cao Lãnh); tiểu dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền, thuộc thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) với tổng nguồn vốn khoảng 1.199 tỷ đồng. Đồng Tháp còn thực hiện nhiều dự án bảo vệ không gian thoát lũ; khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và chất lượng sống của người dân; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Ngoài ra, tỉnh bố trí hợp lý các nguồn vốn cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn triển khai nhiều hoạt động BVMT, quản lý tài nguyên, nâng cao năng lực trong việc quan trắc chất lượng môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH và phòng, chống lụt bão. Bố trí kinh phí đối ứng cho những dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường; dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý chất thải cho những công trình công cộng. Nhìn chung, năng lực chủ động ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh có bước nâng lên. Nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức và thực hiện khá tốt công tác ứng phó với các dạng thiên tai, thời tiết thay đổi, những sự cố môi trường.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn