Chủ động đi tìm thực phẩm sạch

Cập nhật ngày: 16/05/2016 13:38:43

Trước vấn nạn thực phẩm “bẩn”, người dân đã chủ động tìm người bán, nhận diện rau, cá sạch theo cách của bản thân.


Chợ TP.Cao Lãnh vào sáng sớm

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ngụ đường Hùng Vương, khóm 2, thị trấn Mỹ An, Tháp Mười cho biết: “Gia đình tôi thích ăn rau lang nên thường đi chợ mua. Sau này tôi nghe nói rau có nhúng thuốc gì đó nên đọt rau tươi xanh, non nhuốt. Còn rau ngót mua về để ngày hôm sau là héo, lá vàng, dập úng. Từ đó đến giờ, tôi hạn chế dùng các loại rau này. Khi về quê, tôi thường hái rau trong vườn nhà mang lên để dành ăn dần. Giờ mua gì ăn cũng phải thận trọng vì sợ hóa chất...”.

Nếu như các loại rau ăn lá dễ bị úng, dập sau 1 ngày, thì có những loại rau củ quả để rất lâu cả tuần, thậm chí cả tháng vẫn không bị hư hỏng. Điều này cũng làm người nội trợ lo lắng. Chị Trần Thị Thảo ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh kể: “Trước kia, tôi thường mua cà chua ngoài chợ. Một lần quên không để vào tủ lạnh, nhưng sau 1 tháng trái cà chua vẫn không hư mà chỉ héo nhẹ phần da bên ngoài. Ghê quá nên tôi bỏ, không dám ăn”. Trước nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn, người dân chủ động tìm nguồn rau tốt từ các nhà vườn hoặc tìm mua thực phẩm ở chợ tự sản, tự tiêu của chợ TP.Cao. Bà Trần Thị Tư ngụ xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh cho biết: “Tôi bán rau ở chợ TP.Cao Lãnh 12 năm. Cứ 4 giờ sáng là tôi mang rau ra chợ. Tôi hái rau trong vườn nhà từ chiều hôm trước, khi thì có cái bắp chuối, mớ rau bồ ngót, cải trời, ớt hiểm,... mỗi thứ một chút. Rau tôi trồng không dùng phân thuốc gì hết, màu không đẹp lắm, nhưng ăn rất an toàn...”.

Đến chợ Rạch Chanh những ngày cuối tuần, rất đông người, không có chỗ đậu xe. Khu bán rau, có rất nhiều loại như lá xương xông, cải trời, kèo nèo, rau mác, rau má, rau trai,... Tất cả đều được hái từ vườn nhà, chia thành mớ nhỏ để bán. Dì Tư Phước, bán rau cho biết: “Tôi bán đến tầm 8 giờ là hết hàng, ít khi ế. Rau tôi hái ở vườn nhà và đem ra chợ bán ngay. Người đi chợ rất thích mua rau vườn”. Đến chợ Mỹ Ngãi vào tầm 3 giờ chiều, chị Thu Hồng, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết: “ Đi chợ Mỹ Ngãi, đi tầm sáng sớm hoặc 3 giờ chiều, rau, cá rất nhiều, tha hồ chọn. Giá cả có khi hơi cao, nhưng được cái an toàn...”.

Dù đã thực hiện nhiều hoạt động thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tình trạng rau nhiễm dư lượng thuốc vẫn còn xảy ra. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2015, qua kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đã lấy 507 mẫu rau, quả kiểm tra bằng quy trình kiểm tra nhanh dư lượng, kết quả có 168 mẫu chưa phát hiện dư lượng, 288 mẫu có dư lượng ở mức an toàn cho phép, 51 mẫu có dư lượng vượt mức an toàn cho phép.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã triển khai các kế hoạch thanh, kiểm tra trong toàn tỉnh. Ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, Chi cục còn phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động, phổ biến các nội dung an toàn thực phẩm đến cộng đồng trên phương tiện truyền thông đại chúng. Ban Quản lý chợ TP.Cao Lãnh, chợ Rạch Chanh chủ động sắp xếp các chợ vệ tinh nhằm tạo điều kiện cho tiểu thương, hộ tự sản, tự tiêu kinh doanh, buôn bán ổn định. Đồng thời, phối hợp với các ngành y tế, nông nghiệp tuyên truyền an toàn thực phẩm đến với người dân, khuyến cáo tiểu thương không được tẩm ướp hóa chất độc hại vào các loại thực phẩm; kiên quyết xử lý các tiểu thương cố tình vi phạm.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn