Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Cập nhật ngày: 03/03/2014 05:09:51

Những ngày qua, thời tiết khô hanh kéo dài, nhiều cánh rừng ở Đồng Tháp đang nằm trong khu vực cảnh báo cháy cấp III, cấp IV (cấp dễ cháy, cấp nguy hiểm). Ban Quản lý và các chủ rừng trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện công tác phòng cháy.


Tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Hiện toàn tỉnh có trên 6.600ha rừng, phân bố trên các địa bàn huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, ngay từ đầu năm nay Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Ban quản lý rừng ở các địa phương xây dựng phương án và kế hoạch phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, đồng thời ký kết liên tịch với các chủ rừng liên huyện tổ chức họp định kỳ hằng tháng, nhằm phổ biến các văn bản và tình hình diễn biến thời tiết trong khu vực để sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra.

Theo đó, Ban chỉ huy PCCC rừng ở các địa phương kết hợp với các xã vành đai củng cố, kiện toàn nhiều tổ, đội PCCC chuyên trách và bán chuyên trách, đảm bảo lực lượng trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý có hiệu quả mọi tình huống xảy ra, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng các phương tiện, trang thiết bị, phục vụ công tác PCCC rừng; kiểm tra các cống, đập giữ nước, tận dụng thủy triều điều tiết nước vào kênh, mương để giữ ẩm, chống hạn, chống cháy.

Theo Chi cục Kiểm Lâm, hầu hết diện tích rừng trong tỉnh tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp. Theo tập quán canh tác, người dân thường đốt rơm rạ vệ sinh đồng sau thu hoạch, vì vậy nếu không quản lý chặt chẽ rất dễ cháy lan vào rừng. Đặc biệt, rừng trong tỉnh chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn, lá chứa nhiều tinh dầu, vào mùa khô thảm thực vật dưới tán rừng chết, lá và nhánh khô tạo thành lớp vật liệu dễ cháy dày đặc, thêm vào đó tình trạng người dân lén lút xâm nhập trái phép vào rừng để khai thác tài nguyên, việc sử dụng lửa bất cẩn của họ rất dễ xảy ra cháy rừng. Do đó, để công tác PCCC rừng đạt hiệu quả, các đơn vị có rừng phối hợp thường xuyên với các đơn vị liên quan mở các lớp tuyên truyền, giáo dục về công tác quản lý, bảo vệ và tầm quan trọng của PCCC rừng để nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng tiếp giáp.

Là một trong các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, ngay từ đầu tháng 2, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã lên kế hoạch triển khai nhiều phương án phòng, chống cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, Trưởng Ban chỉ huy PCCC Vườn cho biết, để phòng, chống cháy cho hơn 3.000ha rừng tràm mùa khô, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã huy động hơn 450 người; 740 cuộn vòi chữa cháy; 40 máy bộ đàm, điện thoại cố định, điện thoại di động;... sẵn sàng liên lạc để xử lý tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCCC Vườn còn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người dân, khách tham quan, các tổ, đội PCCC về công tác PCCC rừng tại các cuộc họp của địa phương, treo các pano, áp phích tuyên truyền ở những nơi có nhiều người qua lại, chủ động phối hợp với các hộ sản xuất lúa xung quanh rừng thông tin cho nhau khi đốt đồng để cử cán bộ theo dõi phòng tránh cháy lan.

Ban quản lý Khu di tích Xẻo Quýt cũng cho biết, khu di tích đã vận động các cán bộ, nhân viên, người bơi xuồng và các hộ dân vùng đệm cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Các khu rừng ở Gáo Giồng, Gò Tháp,... cũng đang khẩn trương triển khai công tác PCCC rừng cho mùa khô năm nay.

Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần cân bằng môi trường sinh thái mà còn là tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế tỉnh nhà. Vì vậy, mọi người dân phải nêu cao ý thức, chung tay cùng các lực lượng PCCC rừng bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ tiềm năng, thế mạnh kinh tế tỉnh nhà.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn