Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão
Cập nhật ngày: 12/07/2013 05:58:58
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, do ảnh hưởng gián tiếp của tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông nên tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 28 trận mưa to kèm theo gió mạnh, giông lốc, sấm sét làm chết 7 người, bị thương 13 người, 127 căn nhà bị sập đổ, 949 căn nhà bị tốc mái, 29 phòng học, cơ sở sản xuất bị đổ, tốc mái và hơn 2.500ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 32,485 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình hình sạt lở tiếp tục xảy ra tại 46 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khu vực ven sông, vùng sạt lở. Ngay sau khi giông lốc, sấm sét, sạt lở bờ sông xảy ra, Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp đã đi kiểm tra tình hình, động viên và hỗ trợ vật chất cho các gia đình bị thiệt hại nặng và chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp, từ nay đến cuối năm, hình thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo dự báo, mùa mưa năm nay đã chính thức bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc trong khoảng nửa cuối tháng 11, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn có khả năng tập trung vào những tháng đầu mùa, trong đó cần đề phòng giông mạnh kèm theo lốc, sét vào các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.
Tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực các xã: Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự); phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự); xã Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình); xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); xã An Hiệp (huyện Châu Thành).
Bên cạnh đó, mực nước tại các nơi trong tỉnh cũng đang tăng dần do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, dự báo mực nước lũ cao nhất tại 3 khu vực (phía Bắc, vùng sâu Đồng Tháp Mười và khu vực phía Nam) sẽ xuất hiện vào các cuối tháng 9, đầu tháng 10,11...
Để chủ động đối phó với thiên tai những tháng cuối năm, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp PCLB theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”; chú trọng việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định rõ điểm xung yếu của địa phương, đơn vị; tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh sát với tình hình thực tế.
Các huyện, thành, thị kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, căn cứ tình hình thực tế của địa bàn chọn và xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa kịp thời các công trình kết cấu hạ tầng bị hư hỏng. Xác định nhu cầu lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” cho từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, đặc biệt chú ý đến các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, vùng có nguy cơ sạt lở.
Hiện nay một số địa phương, người dân chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của lũ lụt, thiên tai nên chưa tích cực chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, lực lượng để phòng tránh. Vì vậy, Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão, thiên tai trong cán bộ và nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác tình hình mưa lũ, thiên tai và thông tin kịp thời đến người dân. Đảm bảo chế độ trực 24/24 giờ tại các khu vực xảy ra thiên tai.
Khi có thiên tai, lũ lụt, sự cố công trình xảy ra, các ngành, các cấp địa phương và quần chúng nhân dân chủ động triển khai phương án đối phó, huy động nhân lực, vật tư tại chỗ để ứng cứu và khắc phục nhanh, hiệu quả nhằm giảm thiểu mọi thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất.
Mỹ Nhân