Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cao Lãnh
Phối hợp đào tạo nghề, việc làm cho phụ nữ nông thôn
Cập nhật ngày: 12/07/2013 05:27:17
Nhằm giúp chị em phụ nữ nông thôn được học nghề, phát triển kinh tế, giảm nghèo, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cao Lãnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện duy trì công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn theo hướng chọn các ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của phụ nữ nông thôn.
Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ làm nghề đan lục bình
Ngay từ đầu năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ 18 xã, thị trấn trong huyện đã khảo sát, lập danh sách, đăng ký mở các lớp nghề theo nhu cầu cho phụ nữ. Qua khảo sát, có 1.080 phụ nữ có nhu cầu đăng ký học nghề. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp mở 4 lớp nghề nông thôn gồm: đan lục bình, đan dây nhựa tại 3 xã Mỹ Thọ, Mỹ Long, Ba Sao cho 104 học viên.
Ngoài ra, còn có 799 phụ nữ tham gia học theo hình thức truyền tay nghề với nhau. Sau học nghề, hơn 200 chị tự tạo việc làm bằng cách nhận nguyên liệu về nhà gia công, trung bình mỗi chị thu nhập từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng mỗi ngày.
Không chỉ tạo việc làm từ các nghề phi nông nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn tư vấn việc làm cho hơn 300 chị phụ nữ, giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho hơn 1.315 lao động đi làm việc tại các cơ sở như: Công ty cổ phần Sao Mai (TPCL), Cơ sở dệt thảm vải Thanh Tâm, Công ty Phát Tiến ở chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, Cơ sở Út Nương, Hợp tác xã Đức Thịnh, Hợp tác xã 20/10, tổ hợp tác 8/3 (huyện Cao Lãnh), ngoài ra các chị còn tìm việc làm tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh...
Đối với các chị không có điều kiện học nghề, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã, thị trấn thành lập các mô hình dịch vụ gia đình như dịch vụ làm thuê, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nấu ăn thu hút 95 chị tham gia với thu nhập mỗi tháng từ 600.000 đồng đến 1.500.000 đồng
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cao Lãnh, hiện nay, nhu cầu học nghề của phụ nữ nông thôn rất lớn, nhưng nguồn kinh phí đáp ứng vẫn còn ít bởi đa phần kinh phí phân bổ cho các lớp nghề dài hạn, nghề tập trung như hàn điện, may công nghiệp... trong khi đó phần lớn chị em nông thôn khá lớn tuổi, cần có việc làm tại chỗ. Một khó khăn khác là việc tìm đầu ra sản phẩm không ổn định khiến lao động nữ sau học nghề gặp khó khăn khi duy trì nghề...
Xác định công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ, nhất là các chị em ở các cụm, tuyến dân cư, khu vực vùng sâu, tiếp tục duy trì, nhân rộng cách dạy nghề theo cách truyền nghề, theo điều kiện thực tế, nhu cầu thị trường; liên hệ gắn kết với các cơ sở tư nhân tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm.
C.Phương