Chủ động trong mùa mưa bão

Cập nhật ngày: 28/09/2021 09:37:04

ĐTO - Ngoài công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp thực hiện song song 2 nhiệm vụ - tham gia chống dịch và đảm bảo cho phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.


Lực lượng dân quân của xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự giúp dân chằng néo lại nhà cửa phòng giông lốc

Luôn trong tư thế sẵn sàng

Sau tiếng kêu cứu vọng lên từ phía sông Sở Thượng, lực lượng dân quân trực chốt cứu hộ tại ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự nhanh chóng xuống vỏ lãi cơ động ra cứu người gặp nạn đang chới với giữa dòng nước. Đây là buổi luyện tập xử lý tình huống cứu hộ, cứu nạn được lực lượng dân quân xã Thường Thới Hậu A luyện tập khá nhuần nhuyễn. Chia sẻ với chúng tôi sau buổi tập, dân quân Lâm Văn Vàng nói: “Hiện nay đang vào mùa mưa bão, mực nước ở thượng nguồn lên nhanh nên việc đi lại bằng xuồng, ghe rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Bà con thường chủ quan nên khi gặp dòng nước xoáy, xuồng bị lật nước cuống trôi sẽ trở tay không kịp. Năm trước có hôm xảy ra chìm xuồng vào giữa đêm, may mà chúng tôi ứng cứu kịp thời”.

Thật vậy, đối với những tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, khi lũ về cũng là cao điểm của mùa mưa bão. Ngoài tai nạn có thể xảy ra trên sông rạch, thì những trận giông lốc gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và tính mạng của người dân. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chỉ tính từ đầu năm đến nay, giông lốc đã làm sập, tốc mái hơn gần 300 căn nhà, gây sạt lở trên 5.000m3đất bờ sông, làm cuốn trôi nhiều nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương đã huy động hàng trăm lượt dân quân và bộ đội thường trực phối hợp cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn kịp thời khắc phục hậu quả.

Thông tin với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Duy - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Bình cho biết: “Năm nào cũng vậy, thiệt hại do mưa bão là không hề nhỏ. Vì vậy, đơn vị luôn chủ động đề phòng khi có tình huống thì bộ đội, dân quân nhanh chóng có mặt tại hiện trường giúp dân di dời đến nơi an toàn. Như trận giông lốc vào ngày 19/7 đã làm sập và tốc mái gần 50 căn nhà trên địa bàn 10/13 xã, thị trấn gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Tối đêm đó và sáng hôm sau, chúng tôi điều động lực lượng dân quân hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dựng lại nhà cửa cho bà con”.


Lực lượng dân quân xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình giúp dân khắc phục giông lốc (tháng 7/2021)

Đảm bảo cho mọi tình huống

Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn biến khác thường so với quy luật và chu kỳ tự nhiên. Hiện tượng thiên tai, sạt lở đất, mưa bão, lốc xoáy... ngày càng tăng. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để có sự chủ động về lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Đồng thời xây dựng các phương án xử trí tình huống sát với tình hình địa bàn và duy trì chặt chẽ các chế độ trực chỉ huy, trực ban cứu hộ, cứu nạn tại sở chỉ huy các cấp. Từng đơn vị chủ động theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn, chuẩn bị tốt lực lượng, trang bị, phương tiện cho các tình huống do thiên tai gây ra. “Ngoài lực lượng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chúng tôi còn ký kết liên tịch với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các đơn vị của Quân khu 9 đứng chân trên địa bàn Đồng Tháp khi có tình huống cấp bách thì sẽ hỗ trợ kịp thời”, Đại tá Nguyễn Hữu Cương thông tin thêm.


Lực lượng dân quân xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự luyện tập tình huống cứu người gặp nạn trên sông

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Ngô Văn Đông - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Hồng nói: “Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đơn vị đã tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng dân quân các xã, thị trấn phương pháp bơi cứu người và cứu người bị nạn; làm bè bằng vật liệu tại chỗ; cách chèo, chống bè cứu và vận chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm; phương pháp gia cố và hàn khâu đê bằng vật liệu tại chỗ. Đặc biệt là trước khi bước vào mùa mưa bão, lực lượng dân quân các xã, thị trấn tiến hành giúp dân chằng néo lại nhà cửa, chặt mé cây xanh có thể đổ ngã và dựng biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm để người dân đề phòng... Vì vậy, mặc dù rất nhiều đợt mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra trên địa bàn, nhưng đơn vị luôn kịp thời hỗ trợ địa phương giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.

Còn Thượng tá Huỳnh Thanh Phong - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đảm bảo 1 trung đội dân quân cơ động và 4 tiểu đội dân quân thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống. Đối với các xã, thị trấn đều có kế hoạch sẵn sàng các vật chất cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập các đội cứu nạn ở tại những điểm xung yếu; đảm bảo đầy đủ kế hoạch di dời và nơi tránh trú an toàn bảo vệ dân ở vùng bị ngập sâu và các vùng sạt lở nguy hiểm; hiệp đồng các phương tiện tại chỗ của địa phương, cơ động nhanh sẵn sàng ứng phó với bão, lốc xoáy và sạt lở đất... hạn chế thấp nhất thiệt hại về người cũng như tài sản của Nhân dân”.

TRÚC MAI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn