Đào tạo nghề lao động nông thôn

Chú trọng chất lượng và hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/03/2014 05:23:15

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đáp ứng được nguyện vọng của đa số người lao động nông thôn. Công tác này ngày càng đi vào thực chất, chú trọng chất lượng đào tạo và việc làm của người học.

Năm 2013, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.000 người (cao đẳng nghề 900 người, trung cấp nghề 3.600 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 15.500 người), trong đó 70% có việc làm sau khi học. Riêng hình thức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (đào tạo nghề theo địa chỉ), sau khi học 100% có việc làm, thu nhập ổn định từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Các cấp, các ngành liên quan đã tổ chức 254 đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, tình hình thực hiện đề án tại các cơ sở dạy nghề có chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác dạy nghề được nâng cao, đi vào trọng tâm, phục vụ tốt cho công tác giảm nghèo.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2013 và phân bổ chỉ tiêu năm 2014, do Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào 28/2 vừa qua, ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, công tác dạy nghề phải đi vào thực chất, không chạy theo chỉ tiêu. Các cơ sở dạy nghề không chỉ có trách nhiệm dạy mà phải quan tâm xem người học xong làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu,... để đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo. Muốn đào tạo nghề có chất lượng cao, phải có giáo trình chuẩn; giáo viên giỏi, có kinh nghiệm; trang thiết bị đáp ứng yêu cầu.

Kế hoạch năm 2014, toàn tỉnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.000 người, trong đó, cao đẳng nghề 1.500 người, trung cấp nghề 3.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 15.500 người; kinh phí trên 31 tỷ đồng (trung ương trên 11 tỷ đồng, địa phương trên 16 tỷ đồng, xã hội hóa trên 3 tỷ đồng). Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, tỉnh không giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các địa phương mà các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế đề nghị mở lớp đào tạo và đảm bảo có hiệu quả.

Sở Công Thương cho biết, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động đến năm 2020 là 127.648 lao động ở các cấp trình độ với nhiều ngành nghề. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gồm các nghề: cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, điện lạnh, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, may thời trang, chế biến và bảo quản thủy sản, công nhân xây dựng, hàn điện, lắp ráp, bảo trì điện cơ, tiện, đan, may công nghiệp, may dân dụng,... Dịch vụ gồm các nghề: kế toán doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch, văn thư hành chính, công nghệ ô tô, giúp việc nhà, nghiệp vụ bán hàng, bảo trì, sửa chữa xe ô tô, mô tô, gắn máy, lái tàu, xe, các lớp buồng, bàn, bếp trong khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, dạy nghề cho các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân và gia đình,...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn