Chuẩn nghèo đa chiều: nhận dạng hộ nghèo chính xác hơn

Cập nhật ngày: 24/02/2016 12:43:41

Cùng với cả nước, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta sẽ chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, chuẩn nghèo mới được xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp đã phỏng vấn ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).


Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của phương pháp đo lường nghèo đa chiều?

Ông Bùi Thành Nhơn (B.T.N.): Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Các tiêu chí trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều gồm: tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (DVXHCB). Trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chuẩn nghèo về thu nhập (còn gọi là chuẩn nghèo chính sách) đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận DVXHCB được xác định 5 chiều, mỗi chiều có 2 chỉ số: chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em); về y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế); về nhà ở (chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người); về nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu) và về tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). Theo qui định, ngưỡng thiếu hụt đa chiều là mức độ thiếu hụt mà nếu hộ gia đình thiếu nhiều hơn mức độ này thì bị coi là thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB (từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt trở lên).

Việc chuyển đổi theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các DVXHCB của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về các DVXHCB, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin; giúp đánh giá được mức độ thay đổi khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, giúp cho cơ quan quản lý nhìn nhận rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách an sinh xã hội, ; việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng.

PV: Việc áp dụng phương pháp này có ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh ta trong thời gian tới không? Tỉnh có những phương án nào để thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2016?

Ông B.T.N.: Theo chuẩn nghèo cũ được ban hành trong giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đầu giai đoạn là 15,73% giảm xuống còn 3,68% vào cuối năm 2015, bình quân giảm 2,41%/năm. Dự đoán, nếu chuyển sang chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng khoảng 3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chuẩn cũ cuối năm 2015. Tuy nhiên, con số này sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác giảm nghèo của tỉnh mà nó là con số chuẩn xác làm cơ sở để tỉnh xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn, đưa người dân đến với con đường thoát nghèo bền vững.

Để làm tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, thành lập Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo, tiến hành tổ chức triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra. Cấp huyện và cấp xã trong toàn tỉnh cũng tiến hành xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức lực lượng điều tra.

PV: Đến thời điểm này, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã triển khai đến đâu? Khi nào thì niêm yết và công bố danh sách chính thức, thưa ông?

Ông B.T.N.: Hiện nay, các địa phương (xã, phường, thị trấn) trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra: cấp khóm, ấp đã làm xong công tác họp bình xét hộ nghèo, cận nghèo và tiến hành niêm yết công khai kết quả điều tra; UBND cấp xã, Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cấp huyện đã tiến hành phúc tra lại một số địa bàn có tỷ lệ chưa phù hợp với tỷ lệ chung của tỉnh. Các địa phương đã tiến hành nhập dữ liệu phiếu điều tra vào phần mềm quản lý để thực hiện các chính sách cho hộ nghèo khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả. Dự kiến, đầu tháng 3/2016 sẽ họp Ban chỉ đạo điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo tỉnh thông qua tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh và báo cáo kết quả điều tra trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố.

PV: Xin cám ơn ông!

Bích Liễu (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn