Chung tay xoa dịu nỗi đau “da cam”

Cập nhật ngày: 18/07/2016 16:16:14

ĐTO - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình, ảnh hưởng đến các thế hệ. Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương trong tỉnh có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tháp Mười tích cực vận động sự giúp đỡ của mạnh thường quân, góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân CĐDC.


Cô Dương Thị Hạnh (thứ 2 bên phải) và những người thân bị di chứng chất độc da cam

Nỗi đau dai dẳng

Đến thăm gia đình cô Dương Thị Hạnh ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, chúng tôi càng thấy rõ hơn hậu quả chiến tranh cũng như CĐDC gây ra. Cô Hạnh có 7 anh em ruột, trong đó 2 người bị di chứng của chất độc màu da cam, trí tuệ kém phát triển. Cô Hạnh may mắn là người lành lặn, khỏe mạnh bình thường. Cô lập gia đình, chưa kịp vui mừng vì sinh con gái đầu lòng, vợ chồng cô lại đau buồn khi biết con mình bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng CĐDC. Sau đó, người con gái thứ hai của vợ chồng cô ra đời lại bị di chứng CĐDC nặng nề hơn, không thể tự đi lại, trí tuệ không phát triển... “Ngoài dành toàn thời gian nuôi dưỡng 2 đứa con dị tật bẩm sinh, tôi còn chăm sóc người anh ruột trí tuệ không bình thường do CĐDC. Cả nhà có 3/5 người bị bệnh nhưng kinh tế chỉ trông cậy vào hơn 2 công ruộng nên gặp rất nhiều khó khăn” - cô Hạnh cho hay.

Còn bà Dương Thị Vui (ở khóm 3, thị trấn Mỹ An) có 2 người con thì người con trai lớn bị di chứng nặng bởi CĐDC, hơn 20 tuổi nhưng ngoại hình và trí tuệ như một đứa trẻ, tay chân co quắp, không nghe, không nói được, chẳng thể tự chăm sóc bản thân... Bà Vui phải vất vả chăm sóc con suốt mấy chục năm qua. Tuy người con thứ hai khỏe mạnh bình thường nhưng gia đình rất lo lắng cho thế hệ sau. Ông Cao Quốc Vũ - Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Mỹ An thông tin: Trước đây, khu vực khóm 2 và khóm 3 của thị trấn Mỹ An là vùng chiến tranh ác liệt. Số lượng lớn chất độc hóa học dioxin đã rải xuống đây, không chỉ người trực tiếp tham gia kháng chiến mà cả dân thường cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi CĐDC. Hiện kinh tế của nhiều gia đình có người bị nhiễm CĐDC gặp khó khăn dù chính quyền địa phương, các cấp Hội đã quan tâm giúp đỡ.

Cùng xoa dịu nỗi đau da cam

Toàn huyện Tháp Mười có gần 600 người bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó hơn 300 người hoạt động kháng chiến và con cháu họ đang hưởng chính sách ưu đãi trợ cấp hàng tháng. Trên 260 nạn nhân bị nhiễm CĐDC là dân thường, một số được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo chế độ chung của người tàn tật. Nhiều nạn nhân có đời sống khó khăn do bị căn bệnh nguy hiểm hành hạ, cơ thể khiếm khuyết, khó có thể tự lao động mưu sinh. Đau lòng hơn, nhiều trường hợp dị tật, thiểu năng trí tuệ, không tự chăm sóc bản thân phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình.

Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện triển khai nhiều phong trào và hoạt động ý nghĩa hướng tới trợ giúp những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi CĐDC/dioxin. Đặc biệt, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tháp Mười tích cực vận động mạnh thường quân giúp đỡ các nạn nhân với trị giá hàng trăm triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng năm 2015, Hội tặng hơn 950 phần quà, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tặng xe lăn... trị giá trên 400 triệu đồng.

Bà Trần Thị Nhành - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tháp Mười cho biết: Hội thường phối hợp đi thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Nguồn tài trợ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, tạo được sự tin tưởng nên mạnh thường quân an tâm, nhiệt tình giúp đỡ nạn nhân CĐDC trong huyện. Nhiều mạnh thường quân tham gia Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và thường xuyên ủng hộ về mặt vật chất. Điển hình như bà Đồng Ngọc Vân, Trần Thị Quốc Chiến, Nguyễn Kim Phụng, Nguyễn Thị Hường, ông Nguyễn Văn Hồng...

Với sự chung tay, góp sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tháp Mười, các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC đã và đang nhận được sự quan tâm, trợ giúp, từng bước xoa dịu nỗi đau, góp phần giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn