Cộng đồng nỗ lực đẩy lùi HIV/AIDS

Cập nhật ngày: 18/07/2016 13:25:38

Khi nghị lực, tình thương tiếp thêm sức mạnh

ĐTO - Cách đây 24 năm, Đồng Tháp phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên. Kể từ ấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, dù khó khăn, nhưng được thực hiện quyết liệt.

Vợ chồng sống chung với HIV

Cứ mỗi đợt đi lãnh thuốc điều trị hay đi xét nghiệm CD4 để xét tiêu chuẩn điều trị thuốc ARV, vợ chồng chị Hiệp, anh Lê ngụ TP.Sa Đéc vẫn luôn cùng đi. Cách đây 8 năm, anh Lê đi làm nghề bốc vác tại một tỉnh miền ngoài không may đạp phải bơm kim tiêm khiến chân bị chảy máu. Cứ nghĩ không sao, nhưng sau 6 năm kể từ khi đạp kim tiêm, anh thấy sức khỏe yếu dần, nhiều lần ngất xỉu. Sau khi được chị động viên, anh đi xét nghiệm HIV, với kết quả dương tính. Chị cũng đi xét nghiệm HIV và có kết quả tương tự. “Những ngày đầu khi biết mình nhiễm HIV, vợ chồng tôi khóc nhiều lắm. Sau khi được bác sĩ, nhân viên tư vấn, chúng tôi thấy an tâm và nghĩ mình cần phải sống tốt. Nhờ suy nghĩ tích cực mà đến nay gia đình tôi luôn thấy nhẹ nhàng trong cuộc sống” - chị Hiệp tâm sự. Hiện ban ngày, anh, chị đi làm nghề mua bán phế liệu, chiều về cùng vui vẻ, hạnh phúc bên con gái 11 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh.


Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV

Buổi chiều giữa tháng 7/2016, chúng tôi có mặt tại một phòng khám ngoại trú - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, đây là nơi chuyên khám và phát thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Người ra, vào phòng khám tấp nập, đa phần là thanh niên, ít có người cao tuổi, trong đó có vài cặp vợ chồng trẻ cũng đến đây khám và lãnh thuốc. Hôm gặp chúng tôi, vợ chồng Tùng (ngụ huyện Tam Nông) ban đầu còn e ngại nhưng sau đó trò chuyện hết sức cởi mở. Tùng 24 tuổi, sau khi lập gia đình, mới phát hiện mình nhiễm HIV. Vợ chồng Tùng đều nhiễm HIV gần 3 năm. Biết vợ nhiễm HIV từ Tùng, lúc đầu vợ Tùng trách móc, giận hờn, nhưng rồi cũng nguôi ngoai, cả 2 người cùng hứa với nhau không nghĩ đến những chuyện buồn đã qua. Tùng chia sẻ: “Giờ hai đứa em sống yêu thương nhau hơn thời mới cưới nữa. Em sống chung thủy để giữ hạnh phúc gia đình mình và giữ sức khỏe tốt. Còn chuyện 2 vợ chồng nhiễm HIV, giờ chưa tiện nói với ba mẹ. Em nghĩ, 2 đứa sống tốt, lạc quan thì sau khi ba mẹ biết, dần dần sẽ thông cảm, bớt buồn phiền”.

Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cặp vợ chồng, con nhiễm HIV. Có trường hợp người vợ nhiễm HIV từ chồng và ngược lại. Anh Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Khoa Truyền thông - Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, trên địa bàn TP.Cao Lãnh cũng có một số cặp vợ chồng mà anh đã từng tư vấn tiếp xúc. Thời gian đầu, khi biết mình nhiễm HIV, các cặp vợ chồng rơi vào tâm trạng buồn phiền. Thế nhưng, bằng nghị lực, các cặp vợ chồng đã vượt qua sự kỳ thị từ chính mình, duy trì điều trị đúng phát đồ, đặc biệt là giữ gia đình yên ấm, phấn đấu làm ăn.

Và những tấm lòng sẻ chia

TX.Hồng Ngự là 1 trong 5 địa phương của tỉnh có số ca nhiễm HIV cao nhất. Hiện thị xã có trên 515 người nhiễm HIV còn sống. Nếu như những cặp vợ chồng nhiễm HIV cùng sống bên nhau để chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống gia đình thì tại thị xã vùng biên giới này, nhiều trẻ em, người cao tuổi nhiễm HIV cũng được sự thương yêu, đối xử tốt từ họ hàng, xóm giềng.

Mẹ mất ngay sau khi vừa được sinh ra, suốt 19 năm qua, Tường (ngụ TX.Hồng Ngự) sống với cô và dượng. Năm lên 10 tuổi, Tường biết mình bị nhiễm HIV từ mẹ. Mặc dù biết Tường nhiễm HIV, nhưng cô và dượng em không kỳ thị, phân biệt đối xử mà thương yêu như con ruột mình. Học hết cấp 2, Tường nghỉ học ở nhà phụ cô bán trái cây. Những khi ốm đau, cô dượng luôn quan tâm chăm sóc, lo thuốc men cho em. Tâm sự về tình cảm mà người thân dành cho mình, Tường tươi cười, nét mặt hiện rõ sự lạc quan: “Cô, dượng biết em nhiễm HIV nhưng từ nhỏ chăm sóc em như con mình. Em xem cô, dượng như ba mẹ. Mỗi ngày cô, dượng cho em tiền, kêu em dành dụm để ống heo, khi nào cần lấy ra dùng. Dòng họ em cũng biết em nhiễm HIV nhưng không ai xa lánh em cả”.

Suốt 11 năm điều trị HIV là ngần ấy năm chị Tha, 44 tuổi (ngụ TX.Hồng Ngự) luôn nhận được sự quan tâm của người thân trong gia đình và xóm giềng. Sau khi chồng mất, chị sống với mẹ chồng và con gái. Chị thì làm nghề bán cá ở chợ. Con chị hết mực yêu thương mẹ, hằng tháng (em làm ở một công ty) đều mang tiền về phụ giúp mẹ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Không chỉ tình thương của những người thân trong nhà mà xóm giềng cũng sống tốt với chị. Khi biết chị nhiễm HIV, lúc đầu ở trong xóm nhiều người sợ, tìm cách xa lánh chị, nhưng một thời gian sau, mọi người am hiểu tận tường về sự lây truyền của bệnh nên đã sống chan hòa, thân thiện với chị. “Mọi người trong xóm rất tốt với tôi, hay tặng tôi quà, bánh, ngồi nói chuyện với tôi. Khi tôi có bánh, trái cây mang tặng hàng xóm, ai cũng dùng tự nhiên. 11 năm qua, tôi uống thuốc điều trị thấy sức khỏe bình thường. Tôi chỉ mong tiếp tục có đủ sức khỏe để trông giữ cháu mình là vui rồi”.

Một khi người nhiễm HIV có nghị lực vượt qua những rào cản, một khi tình yêu thương giữa con người với nhau được vun đắp, không phân biệt kỳ thị thì người nhiễm HIV vẫn luôn được sống khỏe, sống vui có ích cho xã hội.

* Tên nhân vật đã thay đổi

(còn tiếp)

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn