Cộng đồng xã hội hãy chú trọng bảo vệ trẻ em

Cập nhật ngày: 04/07/2016 05:38:46

ĐTO - Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu tất cả trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại.

Thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em (BVTE), giai đoạn 2011-2015 và lồng ghép các chương trình, chính sách hiện có đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình BVTE trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Các trường hợp trẻ em (TE) bị xâm hại, xao nhãng, ngược đãi, bạo lực,... đã được các địa phương phát hiện và phối hợp can thiệp, giúp các em sớm vượt qua khó khăn.

Những năm qua, công tác truyền thông về BVTE cơ bản đáp ứng được nhu cầu các đối tượng, nhất là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm tại địa bàn dân cư, trường học đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc TE của gia đình, cộng đồng xã hội và TE, như: phát hiện nhiều TE có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ bị xao nhãng, xâm hại, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và nguy cơ vi phạm pháp luật; kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ TE và gia đình nhận thức được những nguy cơ, các vấn đề đang gặp phải và có biện pháp phòng tránh can thiệp kịp thời, phòng ngừa những nguy cơ gây tổn hại cho trẻ; tiến hành các hoạt động hỗ trợ đời sống, dụng cụ học tập, hỗ trợ học nghề, khám chữa bệnh để TE được hưởng các quyền lợi tốt hơn.

Tỉnh Đồng Tháp đã có 8/12 huyện, thị xã, thành phố có Ban Điều hành hệ thống BVTE; 78 xã, phường, thị trấn thành lập Ban BVTE; duy trì hoạt động mạng lưới gần 1.100 cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình kiêm nhiệm công tác bảo vệ và chăm sóc TE tại các khóm, ấp trong tỉnh.

Hệ thống BVTE các cấp đã được mở rộng đến tận khóm, ấp; đã tham gia phát hiện, báo cáo các trường hợp TE bị xâm hại, xao nhãng nghiêm trọng và cung cấp các dịch vụ BVTE từ khâu phòng ngừa, ngăn chặn, phục hồi tái hòa nhập dựa vào cộng đồng. Hệ thống BVTE đã tiếp cận, thu thập thông tin, nắm bắt kịp thời các vấn đề TE đang gặp phải và có kế hoạch phối hợp can thiệp trợ giúp trên 1.850 TE vượt qua tình trạng khó khăn.

Tại 29 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố có nhiều TE có hoàn cảnh đặc biệt và TE nguy cơ đã làm điểm triển khai các mô hình: phòng ngừa, trợ giúp TE bị xâm hại tình dục, bạo lực, trợ giúp TE mồ côi và TE khuyết tật, trợ giúp TE lang thang, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.

Theo đánh giá, công tác BVTE những năm qua đã đạt 80% TE khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; 97% TE bị bỏ rơi, TE mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; 95% TE được phát hiện bị xâm hại tình dục, TE bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp;... Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập Quốc tế tạo nhiều cơ hội mới, song cũng mang đến nhiều thách thức đối với công tác BVTE.

Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc TE, cộng đồng và chính TE về nguy cơ xâm hại, bóc lột TE cũng như nhóm TE có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chưa đầy đủ, chưa thấy hết được các yếu tố tiềm ẩn dẫn đến TE có thể bị tổn thương.

Tình trạng TE vi phạm pháp luật, TE bị xâm hại, bạo lực, bỏ rơi vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, có tính chất phức tạp hơn. Môi trường sống chưa đảm bảo sự an toàn cho TE, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại cho TE, số TE có hoàn cảnh đặc biệt giảm nhưng số TE có nguy cơ hoàn cảnh đặc biệt còn khá nhiều.

Tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân bỏ rơi con còn khá nhiều, các em phải sống với ông bà đã già yếu hoặc họ hàng nhưng không đủ khả năng nuôi dạy các em, chưa có chính sách để trợ giúp cho các em có cuộc sống ổn định...

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu tất cả TE đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng BVTE để không bị xâm hại, TE có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số TE xuống dưới 3%; giảm số TE bị xâm hại, bạo lực, TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời; 95% TE có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 80% huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE;...

TN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn