Dân ở xã An Hiệp bao giờ mới hết lo sạt lở

Cập nhật ngày: 17/04/2015 14:05:11

Là xứ cù lao có vị trí giữa sông Tiền và sông Sa Đéc - Lấp Vò, xã An Hiệp, huyện Châu Thành có đất đai trù phú nhưng nhiều năm qua địa phương này liên tiếp chịu cảnh sạt lở bờ sông, khiến cho cuộc sống người dân rất khó khăn.

Dù có được bờ kè nhưng nạn sạt lở bờ sông ở xã An Hiệp vẫn tiếp tục diễn ra

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Ba Nhường (Lâm Văn Nhường) một người dân cố cựu ở ấp An Thuận, xã An Hiệp cho biết: “Hồi đó, người thân, bạn bè tôi ở đây nhiều lắm nhưng bị đất lở nên họ chuyển đi chỗ khác ở hết rồi. Trước từ nhà tôi ra đến bờ sông Tiền đi bộ phải mấy cây số, nhưng giờ ngồi trong nhà ngó ra là thấy mé sông”. Thậm chí nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả, có đất đai, có của ăn của để do ảnh hưởng sạt lở bờ sông đã không còn đất đai, phải di dời nhà cửa và rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Từ nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp được biết như là “điểm nóng” về sạt lở bờ sông, trong đó xã An Hiệp, huyện Châu Thành được xem là một trong những xã “trọng điểm” về sạt lở của tỉnh. Để giúp xã An Hiệp giảm bớt sạt lở, bảo vệ dân cư và kết cấu hạ tầng, năm 2011 tỉnh Đồng Tháp đã khởi công thực hiện công trình kè chống sạt lở ở xã An Hiệp với tổng nguồn vốn hơn 250 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 90% vốn). Công trình có tổng chiều dài 4.500m, gồm 7 mỏ hàn và hơn 1.400m kè bờ, đến nay đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bước đầu, công trình đã hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nhiều ở địa phương này. Tuy nhiên khoảng 2 năm nay, liên tiếp nhiều đoạn bờ kè ở xã An Hiệp bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Ông Lê Thanh Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Trước đây tình trạng lở đất xảy ra ở địa phương là ở dạng lở bào mòn, lở từ từ nhưng hiện nay việc sạt lở phức tạp hơn, sạt lở có thể ăn sâu vào đất liền 100-200m. Từ đầu năm 2014 đến nay, An Hiệp đã xảy ra 5 vụ sạt lở nghiêm trọng giữa các mỏ hàn nên lãnh đạo xã và người dân rất lo”.

Cụ thể, ngày 10/3/2015 tại khu vực mỏ hàn số 7 thuộc công trình kè chống sạt lở xã An Hiệp ở ấp An Thạnh đã xảy ra trận sạt lở lớn nhấn chìm 1ha đất và gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Hòa ở tổ 9, ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp chứng kiến sự việc nhớ lại: “Lở đất bữa đó ghê lắm... Tiếng đất, đá của mỏ hàn rồi đất ở trong bờ sụp ầm ầm”.

Nỗi lo của lãnh đạo và người dân xã An Hiệp là rất có cơ sở. Bởi sau khi công trình kè chống sạt lở hoàn thành, nhiều hộ dân thấy “chắc ăn” hết sạt lở nên đã dốc hết tài sản tích góp của gia đình để sửa sang, cất mới nhà cửa để có chỗ ở cho tươm tất. Nào ngờ nạn sạt lở bờ sông lại tiếp tục diễn ra, gây thiệt hại lớn cho người dân. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hòa ở ấp Tân Thạnh, sau khi mỏ hàn số 7 hoàn thành, vợ chồng chị vét hết 20 triệu đồng tiền dành dụm xây nhà bếp, nhà vệ sinh. Sử dụng chưa đến 1 năm thì xảy ra sạt lở, nhà chị phải dở bỏ để di dời khẩn cấp. Hay như trường hợp của vợ chồng ông Phan Ngọc Thới - Trương Thị Đào ở gần đó mới cất căn nhà trị giá hơn 250 triệu đồng, chưa tròn năm thì phải chuẩn bị di dời do sạt lở mỏ hàn số 7.

Trước tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở xã An Hiệp, ngày 26/3 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng sạt lở đất bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp với chiều dài hơn 2km. Qua đó, yêu cầu UBND huyện Châu Thành và xã An Hiệp có biện pháp di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành phối hợp tư vấn, thiết kế và đề ra phương án xử lý khắc phục sạt lở.

Có được bờ kè nhưng bao giờ An Hiệp hết sạt lở là điều mà người dân xứ cù lao mong mỏi hơn bao giờ hết. Vì thế, rất mong ngành chức năng có liên quan của tỉnh sẽ sớm tìm ra giải pháp khắc phục, giúp cho người dân nơi đây không còn sống trong nỗi lo sạt lở như hiện tại.

Phú Thuận

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn