Dấu ấn lịch sử từ hai chiếc cầu dây văng hiện đại

Cập nhật ngày: 17/02/2018 07:02:45

ĐTO - Gắn bó với Cao Lãnh hơn 10 năm, tôi không nhớ mình đã qua phà Cao Lãnh bao nhiêu lần, nhưng trong tôi, mỗi lần đi là mỗi cảm giác khác nhau. Tôi vẫn thích ngồi trên những chuyến phà Cao Lãnh, nhìn mấy dề lục bình lững thững xuôi theo dòng nước rồi miên man nghĩ về những chiến công gắn với những địa danh hiên ngang, anh dũng đi vào lịch sử, văn học, thơ ca của dân tộc như Hòa An, Xẻo Quít, Gáo Giồng, Tràm Chim...


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đi trên cầu Vàm Cống - cây cầu mơ ước của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tôi được nghe kể lại, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, người dân Đồng Tháp đã đổ nhiều xương máu để đổi lấy tự do, độc lập. Ngày đất nước thống nhất, người dân Đồng Tháp tiếp tục chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Những địa danh Đồng Tháp giờ đã trở thành niềm tự hào về ý chí cách mạng quật cường, cần cù, chịu khó trước mọi điều kiện, hoàn cảnh. Không phải chỉ nhân dân Đồng Tháp, mà gần như tất cả những ai yêu Đồng Tháp, nếu có lần qua phà đến đây, đều có điểm chung là mơ ước về một chiếc cầu, nối đôi bờ sông Tiền để Đồng Tháp, nhất là đôi bờ Cao Lãnh không còn cách trở...

Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ kết nối thông suốt trung tâm đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền trong cả nước

* Cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013, là cây cầu lớn thứ 2 (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông MêKông nối liền huyện Lấp Vò với TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cầu được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với kinh phí 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng). Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 2.014m. Sau gần 4 năm thi công, cầu Cao Lãnh chính thức hợp long trong niềm vui và phấn khởi của nhân dân Đồng Tháp và cả nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Cầu Vàm Cống được khởi công xây dựng vào tháng 9/2013, đây là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông MêKông và là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ). Dự án có tổng vốn đầu tư 7.341 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài gồm cả đường dẫn là 5,75km; trong đó, riêng phần cầu thiết kế dạng dây văng dài 2,969km. Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ cùng với tuyến lộ N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hình thành một trục dọc thứ 2 bên cạnh Quốc lộ 1 từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam bộ; góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhớ hồi Dự án Cầu Cao Lãnh mới được công bố, người dân Cao Lãnh ai cũng nao nức. Những hộ dân có đất đai, tài sản trong khu quy hoạch dự án không chút nấn ná mà nêu cao tinh thần tự giác, sớm sắp xếp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Bà Dương Thị Khen (68 tuổi) ở xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh, có phần đất gần 200m2 thuộc khu quy hoạch dự án kể, bà bán nước giải khát ở đây nên ngày nào cũng ra ngó về hướng công trình. Hôm nào mà không nghe tiếng động của phương tiện cơ giới, máy móc là bà lại thấy nhớ. “Sống ở đây hơn 60 năm, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng quê mình có điều kiện để xây cây cầu lớn như thế này. Vậy mà bây giờ cầu Cao Lãnh đã sừng sững kia rồi...” - bà Khen bày tỏ.


Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng lớn thứ 2 (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông MêKông

Cầu Cao Lãnh được xây dựng không chỉ là sự vui mừng mà còn là kỳ vọng về một Đồng Tháp đổi thay. Bởi cầu Cao Lãnh hoàn thành kết nối với tuyến giao thông trong khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội để hàng hóa của tỉnh được vận chuyển nhanh chóng và thuận lợi hơn. Hôm hợp long cầu Cao Lãnh (ngày 1/9/2017), lãnh đạo tỉnh - ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cười rạng rỡ: “Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền là mơ ước bao đời của bà con”. Cầu Cao Lãnh sẽ đánh thức tiềm năng không riêng gì Đồng Tháp mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là khi cầu Vàm Cống hoàn thành, giao thông thuận tiện thì hàng hóa nông sản của người dân được vận chuyển nhanh chóng hơn, tỏa đi nhiều địa phương khác.

Nhiều cơ hội mới cũng đang mở ra cho người dân, doanh nghiệp, chẳng hạn, cùng với cầu Cao Lãnh hoàn thành, các tuyến giao thông huyết mạch như QL30 đang hoàn thiện; các khu, cụm công nghiệp sắp hiện hữu như Cụm công nghiệp Trường Xuân, Khu công nghiệp Tân Kiều... là đất lành cho các nhà đầu tư chế biến nông sản, du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Đồng Tháp Mười khi đó sẽ có điều kiện đánh thức, vươn lên sánh vai với các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Không dừng lại ở “một cây cầu nối những bờ vui”, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp lại có dịp nức lòng khi chưa đầy 1 tháng sau sự kiện hợp long cầu Cao Lãnh, Đồng Tháp tiếp tục đón sự kiện hợp long cầu Vàm Cống (ngày 29/9/2017). Đây là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu nối liền huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ). Vui mừng khi Đồng Tháp liên tiếp đón nhận niềm vui được là địa phương thụ hưởng các công trình giao thông trọng điểm của cả khu vực, ngày hợp long cầu Vàm Cống, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tâm đắc chia sẻ: “Cách đây gần 1 tháng người dân Đồng Tháp nói riêng, người dân ĐBSCL nói chung hân hoan chào đón sự kiện hợp long cầu Cao Lãnh nối 2 bờ sông Tiền tỉnh Đồng Tháp và hôm nay niềm vui càng được nhân lên khi cầu Vàm Cống hợp long nối liền 2 tỉnh, thành Đồng Tháp và Cần Thơ. Hơn ai hết, nhân dân Đồng Tháp biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khi quyết định đầu tư cùng lúc 2 cây cầu dây văng hiện đại vào bậc nhất Việt Nam tại vùng ĐBSCL, trong đó Đồng Tháp là địa phương được thụ hưởng. Chúng tôi tin rằng, khi cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh hoàn thành, hòa vào mạng lưới giao thông của Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MeKông, Đồng Tháp sẽ có cơ hội chuyển mình vươn lên cùng với các địa phương khác trong vùng”.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương khen thưởng các kỹ sư thi công cầu

Sự kiện cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào khai thác thực ra còn là ngày mà lĩnh vực đầu tư Đồng Tháp và cả khu vực ĐBSCL trông ngày, trông đêm. Lâu nay, nhà đầu tư biết đến Đồng Tháp là một tỉnh khuất nẻo, giao thông đi lại khó khăn, nhưng khi 2 cây cầu này thông thương sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương kỳ vọng: “Chuyện đi đứng thuận tiện thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ tới Đồng Tháp - nơi có thái độ phục vụ được đánh giá thân thiện nhất khu vực. Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Đồng Tháp đâu chỉ có tiềm năng đầu tư phát triển công nghiệp, nơi đây còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhất là các điểm di tích lịch sử, vùng căn cứ cách mạng trọng điểm trong suốt cả hai thời kỳ kháng chiến nên tỉnh đang lưu ý phát triển sản phẩm du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử thông qua những tour về nguồn...”.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn