Tháp Mười

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 04/05/2016 15:06:22

Để phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm, nông nghiệp... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ năm 2011 đến nay, huyện Tháp Mười đã thực hiện hàng loạt các hoạt động như: huy động học sinh ra lớp, duy trì chuẩn phổ cập, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đào tạo nghề, nông nghiệp...


Người dân tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười làm nghề đan lục bình

Từ năm 2011 - 2015, các xã, thị trấn trong huyện đã mở 154 lớp nghề cho lao động (LĐ) nông thôn với gần 5.000 học viên tham gia các nghề: điện công nghiệp, may công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán, bảo vệ thực vật, văn thư hành chính; một số xã còn mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: sửa bình xịt, may công nghiệp, sửa kiểng bonsai, vận hành máy gặt đập liên hợp, nấu ăn phục vụ nhà hàng... Mỗi năm, có trên 4.000 LĐ được giới thiệu việc làm qua tham gia sàn, phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến các điểm trường tư vấn trực tiếp cho HS, cung cấp thông tin cho học viên trường nghề về nơi tìm việc sau khi kết thúc chương trình đào tạo. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho công ty hoạt động tại địa phương như: Công ty Giày Tỷ Thạc, Công ty May Sao Mai, Công ty May Khánh Linh, Công ty máy nông nghiệp Phan Tấn...giúp người dân dễ tìm cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống với thu nhập từ 2 triệu đồng đến hơn 4 triệu đồng (tùy theo công việc). Một số LĐ còn chủ động tìm việc làm tại Long An, Tiền Giang với mức thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Nghiệp ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Sau khi học trung cấp nghề, tôi tìm được việc làm tại Tiền Giang, thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng, cùng các chế độ ưu đãi khác. Hiện công việc của tôi khá ổn định...”. Huyện đã chọn xã Thanh Mỹ để triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn song song với việc xây dựng nông thôn mới.

Chất lượng giáo dục phổ thông của huyện từng bước cải thiện với tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đỗ vào cao đẳng, đại học trên 50%; 100% cán bộ quản lý giáo dục, 98,33% giáo viên các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt, vượt chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các phòng chuyên môn của huyện được rà soát, sắp xếp vị trí làm việc cho phù hợp tiêu chuẩn, ngạch bậc. Hiện 213/275 người đạt chuẩn, tỷ lệ 77,45%, 80% cán bộ có chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trên 70% đáp ứng yêu cầu về tin học, ngoại ngữ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có 48 công chức, viên chức làm công tác quản lý LĐ kỹ thuật ngành nông nghiệp.

Hạn chế hiện nay trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại huyện Tháp Mười là chưa có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần nhiều LĐ có trình độ, tay nghề cao đến địa phương để sản xuất, kinh doanh nên chưa thể thu hút nhiều LĐ; nhu cầu đào tạo nghề, liên thông bậc cao đẳng chưa nhiều, chưa gắn với nhu cầu sử dụng LĐ tại địa phương; hoạt động định hướng nghề nghiệp HS sau tốt nghiệp THCS, THPT còn hạn chế, phụ huynh HS còn tâm lý không muốn cho con học nghề;...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn