Đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em
Cập nhật ngày: 28/03/2014 05:56:28
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em (TE) do tai nạn thương tích. Đuối nước ở TE hoàn toàn có thể tránh, nếu mọi người có ý thức hơn.
Đồng Tháp là một trong 15 tỉnh, thành phố có TE em tử vong do đuối nước cao của cả nước. Từ năm 2010 đến năm 2012, TE chết đuối trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có giảm, cụ thể năm 2010 có 72 trẻ chết đuối, năm 2011 có 57 trẻ và năm 2012 có 35 trẻ. Bước sang năm 2013, TE chết đuối tăng lên 46 trường hợp, đáng chú ý đa số ở độ tuổi từ 6 trở xuống và những tháng đầu năm 2014 cũng đã xảy ra vài trường hợp TE bị chết đuối.
Tai nạn đuối nước ở TE trong thời gian qua không chỉ xảy ra vào mùa lũ, mà ngay cả những tháng mùa khô. Một phần do đặc điểm tự nhiên của tỉnh thuộc vùng sông nước, nhiều kênh, rạch, ao, sông,... Nhưng nguyên nhân chính trong các vụ TE chết do đuối nước là sự chủ quan, bất cẩn của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ. Nhiều trẻ hiếu động nên thường chơi đùa gần sông, hồ hoặc vùng nước nguy hiểm mà các em không biết. Ngoài ra, trong các trường hợp trẻ bị đuối nước, thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, phải mưu sinh vất vả nên không đủ điều kiện chăm sóc tốt cho các em cũng như nhận thức, hiểu biết chung về tai nạn đuối nước còn hạn chế,...
Gia đình bà Nguyễn Thị Anh. (xã Tân Bình, huyện Châu Thành) vẫn chưa hết đau xót và bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của đứa cháu là Lê Huy Đạt mới hơn 2 tuổi. Cha mẹ cháu đang xem tivi được một lúc thì không thấy cháu đâu nên gia đình đi tìm và phát hiện cháu đã tử vong ngay dưới con rạch sát bên nhà. Bảy ngày sau, cũng cùng xã, do gia đình không trông cẩn thận, cháu Nguyễn Ngọc Bảo Thy (1 tuổi) tử vong do té xuống ao gần nhà. Một trường hợp khác, cháu gái của ông Nguyễn Tấn Lực (phường 4, TP.Sa Đéc) là Nguyễn Ngọc Yến (12 tuổi) do đi tắm sông cùng các bạn nhưng gia đình không ai hay biết nên khi gặp phải dòng nước xoáy đã bị nước cuốn và tử vong. Bên cạnh đó, còn những trường hợp trẻ chết đuối tức tưởi chỉ vì sa xuống vũng nước, ao, hồ, hố sâu, giếng nước, vì tò mò nghịch ngợm, thiếu kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu...
Thời gian qua, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình có nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng xã hội trong chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước và tổ chức dạy bơi cho trẻ; triển khai và duy trì các mô hình và dự án như: Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn, Nhà trẻ mẫu giáo an toàn, Phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em, Hành động “Vì an toàn TE trên sông nước”, “Cụm dân cư an toàn cho TE” và “Tự quản đảm bảo an toàn giao thông đường thủy với phòng, chống đuối nước TE”; tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ. Năm 2013, toàn tỉnh đã tổ chức 930 lớp phổ cập bơi cho trên 24.000 trẻ, trong đó có hơn 22.500 trẻ biết bơi và hàng năm tỉnh đều tổ chức Hội thi bơi, lặn và cứu đuối cho TE cấp tỉnh, huyện, đã góp nâng tỷ lệ trẻ biết bơi trên địa bàn tỉnh lên 36%.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc phòng ngừa tai nạn thương tích TE, giảm đến mức thấp nhất TE tử vong do đuối nước, UBND tỉnh đã xác định phòng, chống đuối nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nỗ lực bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ. Ngày 25/10/2013, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống đuối nước TE tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2015, với tổng kinh phí trên 8 tỉ đồng. Trong đó, quy định rõ, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi có từ 3 TE trở lên bị đuối nước hàng năm; kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và đó không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, gia đình, toàn xã hội.
Theo đó, phải tạo môi trường sống an toàn cho trẻ, cần giám sát, quan tâm đến trẻ, không để trẻ chơi một mình trong những khu vực có các nguy cơ gây đuối nước. Hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi như: vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị sặc nước. Quản lý, chăm sóc trẻ, trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ, các nơi có nguy cơ cao gây đuối nước cho trẻ thì cần có biển báo, rào chắn, bảo vệ,... đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thi công tuân thủ quy định về cắm biển cảnh báo, rào chắn... không để TE chơi đùa, chăn thả gia súc trong khu vực đang thi công...
Trần Văn Diện