Đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm

Cập nhật ngày: 08/11/2016 15:58:16

ĐTO - Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, qua đó tạo nhiều động lực cho công tác quản lý được thực hiện đồng bộ. Những tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều hoạt động bảo đảm ATTP.


Đoàn kiểm tra tịch thu thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ TP.Cao Lãnh. Ảnh: Bích Liễu

Sở Y tế cho biết, công tác liên ngành về ATTP tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các sở, ngành liên quan. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh, tập trung thực hiện trong các chiến dịch lớn song song với tổ chức kiểm tra theo chuyên đề như: nước uống đóng chai, nước đá, các sản phẩm tinh bột, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm. Đến tháng 10/2016, trên 9.200 lượt cơ sở thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế đã được kiểm tra, trong đó phát hiện xử lý và nhắc nhở trên 1.700 cơ sở vi phạm, phạt 67 cơ sở với tổng số tiền trên 389 triệu đồng. Ngành y tế đã lấy 561 mẫu thực phẩm các loại gửi labo kiểm nghiệm các chỉ tiêu trọng điểm về ATTP, phát hiện 69 mẫu không đạt (chiếm 12%); thực hiện tầm soát trên 4.400 mẫu thực phẩm bằng test nhanh ATTP, phát hiện 150 mẫu dương tính (chiếm 3%), trong đó có 3% trong tổng số 1.354 mẫu thực phẩm (nhóm thịt, cá, thực phẩm chay...) có chứa hàn the, 4% trong tổng số 156 mẫu rượu có methanol, 4% trong tổng số 83 mẫu rau vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại hộ gia đình do sử dụng thịt cóc, nấm dại chế biến thức ăn, làm 5 người mắc và 1 người tử vong.

Công tác bảo đảm ATTP đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP quá ít so với nhu cầu công tác, đa số lực lượng thuộc cơ quan hành chính với số lượng biên chế duy trì ổn định, trong khi số lượng cơ sở thực phẩm ngày càng tăng và hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng. Kiến thức của chủ doanh nghiệp về tác hại của hóa chất trong chế biến thực phẩm đối với sức khỏe chưa cao. Các hành vi vi phạm trong từng giai đoạn có xu hướng phức tạp, rất khó phát hiện (bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ). Các loại hóa chất rất đa dạng về chủng loại, trong khi năng lực kiểm nghiệm tại địa phương có giới hạn nên công tác định danh các loại hóa chất này không theo kịp nhu cầu công tác thanh tra. Các đối tượng vi phạm đa phần là những hộ kinh doanh cá thể, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, địa điểm kinh doanh không cố định nên công tác xử lý các hành vi vi phạm có những khó khăn nhất định. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn lựa chọn những thực phẩm bắt mắt, giá rẻ, góp phần cổ vũ cho hành vi sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.

Từ những kết quả đạt được và một số khó khăn, hạn chế, ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận sự phối hợp của các ngành, các cơ quan, đơn vị, nhất là phối hợp trong công tác truyền thông, vận động nhân dân tham gia bảo đảm ATTP, chú trọng tuyên truyền các kiến thức về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến người dân như: nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, phẩm màu độc hại; phòng ngộ độc bởi hóa chất bảo vệ thực vật: rau, củ, quả tươi, đặc biệt thức ăn sống phải được ngâm kỹ rồi rửa lại vài lần bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước chảy; phòng ngộ độc bởi thực phẩm có độc tự nhiên: không ăn nấm, củ, rau, quả hoang dại nghi có độc, sản phẩm động vật có độc (phủ tạng và da cóc, cá nóc...); tránh ăn ở quán không có nước sạch, không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường...; không mua sử dụng thực phẩm bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng; nên lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng có tín nhiệm quen thuộc, siêu thị... những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện ATTP để kinh doanh.

Theo ông Phạm Văn Phước - Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn của người dân góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay. Do đó, công tác truyền thông, nâng cao kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác đấu tranh với thực phẩm bẩn.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn