Tham gia giao thông - Ý thức gắn liền tính mạng

Cập nhật ngày: 06/11/2016 06:36:25

ĐTO - Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 114 vụ tại nạn giao thông (TNGT) đường bộ nghiêm trọng, gây tử vong 117 người, làm bị thương 43 người (tăng trên 26% cả số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2015). Theo phân tích, có khoảng 80% số vụ tai nạn xảy ra xuất phát từ việc thiếu ý thức của người tham gia giao thông.


Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

“Đường ta, ta cứ đi”

Chú Đinh Thành Hải (52 tuổi) nhà cặp Quốc lộ 30 (thuộc địa phận xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) thường xuyên chứng kiến những hành vi thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Chú Hải bức xúc nói: “Dường như lối suy nghĩ “Đường ta, ta cứ đi” đã ăn vào tiềm thức của nhiều người. Chạy xe ngoài quốc lộ mà cứ như đang chạy trong sân nhà mình. Người thì vừa lái xe vừa nhắn tin hoặc nghe điện thoại. Người thì chạy xe vù vù, lấn tuyến, vượt ẩu để chạy lên phía trước bất chấp những phương tiện cùng tham gia trên đường. Nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện và người ngồi phía sau xe đều lừ đừ, mặt đỏ vì say rượu vẫn ngang nhiên chạy xe trên đường,... Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tại nạn xảy ra do những hành vi thiếu ý thức này. Có nhiều trường hợp phải đi cấp cứu vì gãy tay, chân, thậm chí bất tỉnh do chấn thương đầu,... Thấy tai nạn riết rồi chạy xe ra đường tôi cũng ớn. Mình cẩn thận mà người khác cẩu thả thì cũng xảy ra tai nạn như chơi”.

Không ai không sợ tai nạn, nhưng thói quen phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... dường như luôn lấn át sự sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi đã trở thành thứ yếu thì chuyện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ trở thành “câu chuyện thường ngày” của không ít người. Theo Ban ATGT tỉnh, 94/114 vụ TNGT trong 9 tháng đầu năm đã xác minh được nguyên nhân. Trong đó, có 32 vụ TNGT do người tham gia giao thông đi không đúng phần đường (chiếm trên 34% số vụ); điều khiển phương tiện khi có rượu, bia 18 vụ (chiếm trên 19%), tránh, vượt sai quy định 12 vụ (chiếm gần 13%) và một số vụ do chạy quá tốc độ, lái xe thiếu chú ý quan sát; do người đi bộ qua đường bất cẩn;... Từ những con số trên cho thấy, đa số các vụ TNGT đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm Luật giao thông của người điều khiển phương tiện.

Và những cái kết đau lòng

Trên thực tế nhiều vụ tai nạn thương tâm đã diễn ra do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông và để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đơn cử, khoảng 7 giờ ngày 1/5/2016, Phạm Quốc Đạt (SN 1976, thường trú tại ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự) điều khiển xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng vượt qua xe đạp của chị Cóc, nhưng do bất cẩn nên va quẹt vào xe chị Cóc làm bé Bùi Trí Khang (SN 2010) ngồi phía sau té ngã xuống đường, bị bánh xe sau cán ngang đầu làm cháu Khang tử vong tại chỗ. Đạt đã tự nguyện khắc phục hậu quả cho gia đình và có lời xin lỗi gia đình nạn nhân, nhưng tiếc thay, lời xin lỗi đó đã quá muộn màng và Phạm Quốc Đạt đã bị tuyên phạt 3 năm tù. Vụ án qua đi, nhưng nỗi đau của gia đình nạn nhân vẫn còn đó, những giọt nước mắt xót xa, nỗi đau của người cha, người mẹ mất con, người ông, người bà mất cháu vẫn còn dai dẳng. Còn bị cáo Phạm Quốc Đạt thì chấp hành bản án 3 năm tù trong sự ăn năn, hối hận: “Nếu hôm ấy... thì đã không...”, nhưng sinh mạng con người không cho phép tồn tại chữ “nếu”.

TNGT để lại nhiều hậu quả cho xã hội và gia đình, trong đó các em nhỏ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn nếu mất người thân do TNGT. Câu chuyện của em Trần Khả Dinh ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười là một minh chứng. Đầu năm 2016, trên đường đi làm về, ba Khả Dinh bị một thanh niên say rượu chạy xe tông dẫn đến tử vong. Lao động chính của gia đình không còn, Khả Dinh một buổi đi học, một buổi phụ việc cho những gia đình trong xóm để lo cho mẹ bị bệnh tim. Nỗi đau mất người thân làm mẹ Dinh ngày một kiệt sức. Những ngày đầu tháng 8, khi Dinh chuẩn bị bước vào lớp 8, mẹ em lại ra đi. Giờ đây, Dinh sống một mình trong sự cưu mang của bà con chòm xóm. Dinh tâm sự: “Em nhớ ba mẹ lắm! Nhiều đêm ngủ, em mơ thấy ba mẹ, khi tỉnh dậy nước mắt em 2 hàng. Nhờ có mấy cô và bà nội và mấy bạn học trong xóm an ủi, động viên nên em mới vượt qua được. Giờ em phải cố gắng học tập để lo cho tương lai mình sau này và nhất là để ba mẹ em được yên lòng”. TNGT gây ra nhiều gánh nặng cho xã hội. Những hậu quả mà TNGT để lại thì nỗi đau về tinh thần là điều khó có thể bù đắp được!

Từ thực tế trên cho thấy, tham gia giao thông, ý thức gắn liền tính mạng. Chỉ một lần vượt đèn đỏ, uống rượu, bia quá mức, lấn tuyến, chạy ngược chiều... cũng có thể dẫn đến những cái chết oan nghiệt, gây đau khổ cho gia đình và gánh nặng cho xã hội. Tham gia giao thông hãy nhớ “Đèn đỏ qua rồi lại đến, sinh mạng không có lần hai”, vì thế hãy lái xe bằng cả trái tim, đừng để “Nhanh 1 giây, chậm 1 đời” hay chỉ vì “1 giây bất cẩn, ân hận cả đời”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn