Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống xâm hại ở trẻ em

Cập nhật ngày: 19/06/2015 13:37:19

Nhằm góp phần hạn chế tình trạng trẻ em (TE) bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ TE (CTXHBVTE) tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn cộng đồng, kết hợp trợ giúp TE bị hại sớm ổn định tinh thần, sống tốt hơn.


Trẻ em tham gia lớp tư vấn kỹ năng sống do Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh thực hiện

Qua khảo sát, một số nguyên nhân dẫn đến TE bị xâm hại là: TE còn nhỏ, nhận thức chưa cao, cha mẹ mãi lo làm ăn nên không có thời gian quan tâm nhiều đến con. Theo số liệu của Trung tâm CTXHBVTE tỉnh, từ ngày 16/11/2014 đến ngày 15/5/2015, toàn tỉnh có 88 trường hợp TE cần sự trợ giúp, can thiệp, hỗ trợ, trong đó có 19 trường hợp TE bị xâm hại tình dục, 3 TE bị bạo lực gia đình, 9 TE vi phạm pháp luật, 3 TE lang thang, 3 TE lao động nặng nhọc, 1 TE khuyết tật, 5 TE bị bệnh hiểm nghèo và 45 trường hợp khác. Thông qua công tác can thiệp, hỗ trợ đã có 86 trường hợp được trợ giúp, trong đó có 44 em được hỗ trợ tư vấn tâm lý ổn định tinh thần, hỗ trợ chăm sóc về y tế, học nghề...

Hiện nay, hoạt động truyền thông phòng, chống TE bị xâm hại, bị bạo lực gia đình được các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Các Phòng LĐ,TB&XH phối hợp Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã tăng cường thời lượng phát các tin bài về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục TE và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm CTXHBVTE tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tại các địa phương 102 cuộc với sự tham gia của hàng trăm TE; thông qua các điểm tư vấn cộng đồng, trường học đã tiếp nhận và tư vấn về sức khỏe, tâm lý, tình cảm cho 129 TE; tổ chức được 6 lớp tập huấn kỹ năng sống cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các trường THCS ở huyện Thanh Bình, Châu Thành, TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, có gần 200 TE tham gia.

Năm 2014, Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm CTXHBVTE tỉnh triển khai thực hiện mô hình phòng ngừa, trợ giúp TE bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng. Mô hình được thực hiện tại 6 xã điểm: Thường Thới Tiền, Long Khánh A, Long Thuận, (huyện Hồng Ngự); Vĩnh Thới, Tân Dương, Long Hậu (huyện Lai Vung). Tại huyện Lai Vung, Phòng LĐ,TB&XH huyện tổ chức nhiều cuộc truyền thông nhóm cho các gia đình, TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có hơn 300 phụ huynh, TE tham dự; kết hợp với Trung tâm CTXHBVTE tỉnh truyền thông tại các trường học, địa bàn đông dân cư thu hút hàng trăm TE tham gia. Mô hình đã can thiệp trợ giúp cho 29 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có 14 TE được trợ giúp khó khăn (mỗi suất 900 ngàn đồng), 15 TE được hỗ trợ dụng cụ học tập. Qua thực hiện mô hình, 95% TE bị xâm hại, bị bạo lực được can thiệp giúp đỡ.

Tuy nhiên, hiện nay một số TE vi phạm pháp luật, TE chơi game, các gia đình chưa quản lí giáo dục tốt nên các em tiếp tục sa vào con đường cũ; số trẻ bị xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra do thiếu sự quan tâm từ gia đình... Thời gian tới, Trung tâm CTXHBVTE tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tư vấn vãng gia để thay đổi nhận thức người dân trong việc bảo vệ TE, sàng lọc lại đội ngũ cộng tác viên để việc tư vấn có hiệu quả hơn, tập huấn cho các thành viên làm công tác tư vấn tại 18 điểm tư vấn cộng đồng trong tỉnh...

MỸ XUYÊN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn