Dịch cúm gia cầm - Nguy cơ còn tiềm ẩn

Cập nhật ngày: 04/11/2013 05:58:28

Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 trường hợp tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Ngành Thú y đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch, cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn khi việc mua bán, giết mổ gia cầm sống ở các chợ vẫn còn diễn ra phổ biến; tỉ lệ mầm bệnh lưu hành trên đàn gia cầm khỏe mạnh chiếm khá cao, trong khi người dân vẫn còn lơ là với công tác phòng, chống dịch.


Vịt chạy đồng - tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch cúm

Nguy cơ còn tiềm ẩn

Hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã tạm lắng, nhưng virus cúm vẫn còn lưu trú khắp nơi trên đàn gia cầm. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay ngành đã tiến hành tiêu hủy 357 con gia cầm bị nhiễm bệnh; trong số trên 660 mẫu gia cầm lấy tại các chợ để xét nghiệm, phát hiện 87 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1, chiếm tỷ lệ 13,12%,

Vừa qua, trong buổi tổng kết 4 năm thực hiện dự án Sáng kiến phòng, chống cúm gia cầm và đại dịch tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã nhận xét nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm từ trong chợ và ngoài chợ gia cầm sống rất lớn. Nguyên nhân là do gia cầm được bày bán tại các chợ gia cầm sống không rõ ràng nguồn gốc, gia cầm chưa được kiểm dịch, có một số gia cầm bệnh cũng được đưa vào chợ, vấn đề tiêu độc tại chợ không được triển khai thường xuyên, cuối cùng là vệ sinh cá nhân của người bán hàng và người tiêu dùng. Đây là nguồn phát tán mầm bệnh cúm gia cầm.

Tuy nhiên, những hộ chăn nuôi vẫn còn chưa ý thức nên thường né tránh việc tiêm phòng đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lí dịch bệnh của các ngành chức năng, nhất là khó phát hiện và tiêm phòng gia cầm cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vịt chạy đồng qui mô từ 40 - 100 con/đàn.

Chị Nguyễn Thị Mến ngụ ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, có hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi vịt thịt cho biết: “Tôi thấy tiêm vắc-xin sẽ làm vịt bị “chai” chậm lớn và phải được cách ly nhiều ngày mới được ăn. Để phòng tránh dịch bệnh, tôi chọn con giống khỏe, khi thấy đàn vịt bị bệnh thì chỉ dùng tỏi để chữa bệnh ”.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp có đường biên giới với nước bạn Campuchia, nguy cơ lây lan dịch cúm qua đường biên giới rất lớn. Ông Võ Trọng Phước - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Tỉnh hiện chưa phát hiện ổ dịch nào ở biên giới, tình hình mua bán gia cầm ở đây chỉ là trao đổi hàng hóa, không diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, những thông tin ghi nhận về các trường hợp nhiễm mới cúm A/H5N1 ở Campuchia, H7N9 ở Trung Quốc càng thấy nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát bất kỳ lúc nào khi các mầm bệnh vẫn lưu tồn qua nhiều đường, trong khi người dân vẫn còn lơ là...”.

Người dân còn lơ là

Có thể nói, hiện tại việc buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát ở các chợ càng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1 trên người và gia súc, nhất là tại các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đem gia cầm ra chợ bán mà không hề có một giấy tờ chứng minh nguồn gốc của gia cầm. Trong khi đó, người tiêu dùng thì ít quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho hay: “Tôi thường mua gà, vịt sống ở chợ Ngã Ba Đô Thị về dùng. Mặc dù ở đây có bán các loại gà làm sẵn, nhưng vì đã đông lạnh nên chất lượng không còn ngon”. Khi hỏi về vấn đề dịch bệnh, bà Hồng cho hay bà chẳng lo ngại lắm vì lâu nay ở khu vực này chưa có dịch xảy ra. Vả lại khi mua gà, vịt, bà thường chọn mua các con còn sống, khỏe mạnh nên cũng yên tâm.

Chị Thu ở đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Cao Lãnh, chuyên mua bán gà, vịt tại nhà cho biết: “Gà, vịt tôi mua từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và các mối quen. Khi mua tôi chọn rất kỹ, con nào bị bệnh nhìn là biết ngay. Gà, vịt tôi bán không có bị bệnh, chất lượng thịt lại ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng”. Tuy nhiên đây chỉ là những cảm nhận chủ quan của người bán, người mua, còn có “sạch” bệnh hay không thì chưa thể khẳng định được vì hầu hết việc giết mổ gia cầm được thực hiện nhỏ lẻ tại các hộ gia đình đều chưa được kiểm dịch...

Hiện nhiều chợ trong tỉnh, việc giết mổ gia cầm được thực hiện ngay tại chợ nếu người tiêu dùng có nhu cầu. Theo chị Lê Kim Lan ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung: “Sau khi mua gà, vịt ở chợ, tôi yêu cầu người bán mổ luôn với giá từ 10.000 -15.000 đồng/con, rất tiện lợi và cũng không lo bị cúm, vì không tiếp xúc với gia cầm”. Chính vì cả người bán lẫn người mua đều không ai quan tâm đến vấn đề dịch bệnh, cũng như các con đường lây lan, nhiễm bệnh nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm gia cầm sang người là rất cao. Hồi tháng 3 vừa qua, tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh cũng đã xảy ra một trường hợp tử vong do người nhà của nạn nhân chủ quan khi mua gia cầm sống trôi nổi, không có xác nhận an toàn của cơ quan thú y.

Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm

Toàn tỉnh hiện khoảng 4 triệu con gia cầm, theo ngành chức năng dự báo, từ nay đến cuối năm, người dân sẽ còn tăng đàn, tăng mật độ nuôi gia cầm để chuẩn bị cho dịp Tết. Do đó, ngành thú y tỉnh đã tăng cường công tác phòng tránh dịch cúm gia cầm bằng nhiều biện pháp chuyên môn và tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin H5N1 cho đàn gia cầm tỉnh nhà trên 10 triệu liều. Sắp tới, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi thêm 5,5 triệu liều để tiêm phòng khống chế virus cúm trong những tháng cuối năm.


Lấy mẫu giám sát virus cúm tại chợ TP. Cao Lãnh

Ông Võ Trọng Phước - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Đáng lo ngại trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là đàn vịt chạy đồng. Vịt chạy đồng đi qua nhiều nơi, dễ lây lan dịch bệnh. Để quản lý tốt đàn gia cầm, ngành thú y đã vận động các hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu độc sát trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi diễn biến trên đàn vật nuôi, tiêm phòng đầy đủ các chủng vắc xin phòng bệnh. Đồng thời khuyến khích người chăn nuôi gia cầm thực hiện khai báo khi gia cầm bị bệnh chết, tuyệt đối không bán hoặc giết gia cầm bệnh để làm thức ăn và không vứt xác gia cầm bệnh chết ra môi trường. Ngoài ra, ngành tăng cường phối hợp với các ngành liên quan làm tốt công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trong nước cũng như qua biên giới...”.

Toàn tỉnh hiện có 2 nhà giết mổ gia cầm tập trung tại chợ là thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Đây là chương trình đầu tư của Dự án Vahip hỗ trợ. Dự kiến, thời gian tới Dự án Vahip sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm 3 nhà giết mổ gia cầm ở các chợ Trường Xuân (Tháp Mười), Tân Thành (Lai Vung). Với các nhà giết mổ này, sản phẩm gia cầm sẽ được cán bộ thú y quản lý chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Các sản phẩm được kiểm định và được đóng dấu bằng mộc hoặc bằng dây gút (màu trắng buộc chân) của cơ quan thú y, người tiêu dùng sẽ an tâm khi sử dụng.

Còn đối với các trường hợp lấy mẫu xét nghiệm, nếu phát hiện đàn gia cầm dương tính với virus H5N1, Chi cục Thú y tiến hành khoanh vùng, cách ly đàn gia cầm và sẽ tiêu hủy đàn gia cầm bệnh kịp thời, không để dịch bùng phát và lây lan.

Mặc dù địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp khoanh vùng dập dịch, tiêm phòng đàn gia cầm, tiêu độc khử trùng môi trường, nhưng theo dự báo của ngành thú y, những tháng cuối năm thời tiết lạnh virus gây bệnh dễ phát triển, người chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn phục vụ thực phẩm trong dịp Tết, nên nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm là rất cao...

Mỹ Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn