Giảm thiểu tình trạng lang thang ăn xin trên địa bàn TP. Sa Đéc
Cập nhật ngày: 09/05/2014 04:57:42
Người lang thang xin ăn thuộc nhiều lứa tuổi, có người do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bệnh tật, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ... cũng có nhiều người coi đây là một nghề để kiếm sống.
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện việc giải quyết tình trạng lang thang ăn xin, tâm thần giai đoạn 2011-2013 của UBND TP.Sa Đéc cho thấy, trước đây toàn thành phố có trên 20 người lang thang ăn xin, nhưng hiện giờ còn 2 - 3 người (chủ yếu là người ngoài thành phố). Số người tập trung ăn xin nhiều nhất nằm trên địa bàn phường 1, phường 2 và các chợ.
3 năm qua (2011 - 2013), thành phố đã tổ chức 179 cuộc tuyên truyền với trên 2.685 người dự, Đài Truyền thanh đưa nhiều tin và bài trên hệ thống phát thanh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao tuyên truyền trên pa nô, áp phích với nội dung “giúp các đối tượng lang thang, ăn xin, cơ nhỡ, trẻ em sớm vào đời lao động kiếm sống, không nơi nương tựa bằng hình thức cho họ cần câu chứ không nên cho họ con cá”.
Do người lang thang ăn xin thuộc nhiều thành phần khác nhau nên thành phố cũng có nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ. Đối với người lang thang ăn xin có nơi cư trú trên địa bàn, UBND thành phố giao cho UBND các xã, phường nơi họ cư trú tiếp nhận và quản lý 15 người, giáo dục tại địa phương, cam kết không tái diễn tình trạng lang thang ăn xin; với những người cư trú ngoài thành phố thì mua vé xe, cấp tiền cho họ trở về địa phương và cam kết không trở lại để ăn xin, đồng thời báo với chính quyền địa phương nơi họ cư trú nắm để quản lý; những người bệnh tật cao tuổi, trẻ em mồ côi, tạo điều kiện tập trung ở Trung tâm Bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng.
Trong số những người lang thang ăn xin có cả người bị bệnh tâm thần, quần áo nhếch nhác, đi nghênh ngang dưới lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông và làm mất vẻ mỹ quan đô thị; thành phố cũng đã tổ chức đưa 6 lượt người thuộc dạng này đi điều trị bệnh. Tuy tình trạng người lang thang ăn xin, có giảm, nhưng chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng không nhỏ đến văn minh thành phố.
Theo ông Lê Phước Vĩnh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Sa Đéc, thực trạng người lang thang ăn xin cơ bản có giảm nhưng vẫn còn do nhiều người còn coi đây là một nghề kiếm sống.
Đối tượng lang thang ăn xin thường tập trung vào các ngày lễ lớn, ngày rằm, ngày Tết,... chủ yếu ở các chùa, các chợ để xin ăn. Đây là một trong những vấn đề khó xử lý trong công tác giải quyết người lang thang ăn xin. Bên cạnh đó, do nhận thức và tư tưởng của người dân đối với vấn đề người lang thang ăn xin còn mang nặng sự thương hại và do tâm lý muốn bố thí để được hưởng phước, nên chưa ý thức trình báo cho chính quyền địa phương để tập trung giải quyết theo quy định, vô tình tạo cơ hội cho đối tượng này có điều kiện để ăn xin.
Theo ông Lê Phước Vĩnh, việc thu gom người lang thang ăn xin chỉ là phần ngọn, về lâu dài cần có sự tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người dân về thực trạng này. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm giúp họ không phải lang thang kiếm sống. Để tiếp tục giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin, tâm thần trên địa bàn thành phố, các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn trọng điểm của thành phố nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời người lang thang ăn xin, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; gắn tiêu chí xã, phường không có người lang thang ăn xin, cơ nhỡ với việc đánh giá, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Công Nghĩa