Giới trẻ và thông tin trái chiều trên mạng xã hội

Cập nhật ngày: 14/12/2021 10:26:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211214102950mangxahoi.mp3

Chưa bao giờ thông tin trên mạng xã hội (chính thống và không chính thống) lại phong phú, đa dạng, đa chiều, đa sắc... như hiện nay. Bên cạnh những thông tin sạch, trong lành, chuẩn (chính thống) thì những thông tin xấu, độc, vẩn đục, không chính xác (trái chiều) xuất hiện với tần suất rất lớn. Chưa có một thống kê chính thức, song nhìn một cách trực quan, trực giác, cũng có thể thấy, loại thông tin trái chiều này thường có số lượng không nhỏ trên mạng xã hội. Loại thông tin này luôn tìm cách tiếp cận, tác động thường xuyên, liên tục, ào ạt đến giới trẻ, khiến một bộ phận không nhỏ, vốn nhạy cảm trước cái lạ, cái mới và thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đã dễ dàng “nhiễm độc”, sa ngã và ngày càng tiếp cận, dấn sâu vào “mảng tối” này.

Đó là thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... của bọn phản động trong và ngoài nước, luôn tìm mọi cách chống phá điên cuồng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bằng nhiều “chiêu trò” thâm độc, nham hiểm. Đó cũng là thông tin của một bộ phận người dân, bằng “hội chứng đám đông”, nhẹ dạ, a dua, hùa theo các thế lực nói trên, từ đó lan truyền, phát tán một cách nhanh chóng, mạnh mẽ nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, có nội dung xấu, độc trên nhiều phương diện, tác động tiêu cực đến công cuộc xây dựng đất nước nói chung, đến cuộc sống thường nhật của mọi người nói riêng. Một biểu hiện khác, đó là loại thông tin sai sự thật từ không ít người, tuy không xuất phát từ mục đích, ý tưởng xấu mà do hời hợt, cốt để câu like, câu view..., rốt cuộc, đó cũng là loại thông tin tạo nên dư luận và phản ứng độc hại trong cộng đồng, trong xã hội...

Trước thực trạng đó, cần thiết phải tìm ra những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, thường xuyên, hữu hiệu từ các cấp lãnh đạo và toàn dân, qua đó, từng bước uốn nắn, dẫn đường, đưa giới trẻ hòa nhập đúng quỹ đạo của luồng thông tin chính thống - thông tin đúng, chuẩn, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, với pháp luật, với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và với đại đa số người dân.

Cần khẳng định, những chế tài và các phương cách mang tính chuyên môn, kỹ thuật khó có thể khống chế tuyệt đối, triệt để, tối đa tần suất và tác hại của loại thông tinh trái chiều nói trên. Các ngành chức năng, nhất là ngành thông tin và truyền thông từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực để cảnh báo, ngăn chặn, nhưng xem ra đó chỉ là cách làm “thời vụ”, chỉ cắt được phần ngọn mà chưa triệt được phần gốc. Trong thời đại công nghệ - thông tin bùng nổ mạnh mẽ, phong phú, đa chiều, đa dạng... như bây giờ, những giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên môn như xác lập tường lửa, khuyến cáo nhà mạng cắt bỏ nội dung, phạt hành chính hoặc truy tố hình sự... mới chỉ là một khía cạnh ngăn chặn, dường như chưa thể khỏa lấp, tỏa chiết, chặt đứt... thế giới thông tin trái chiều đang ào ạt dâng lên như sóng thần và luồn lách trong mọi ngõ ngách cuộc sống như hiện nay. Trong đại dịch Covid - 19 bùng phát dữ dội, thay vì học trực tiếp trên lớp, học sinh các cấp trên cả nước phải lui về học trực tuyến qua mạng internet. Học bằng hình thức online tất nhiên phải tiếp xúc với khí quyển bao la của mạng xã hội và như vậy, học sinh phải chấp nhận sự “rủi ro” luôn tiềm ẩn ở đó. Một ví dụ cụ thể là vụ để lộ ảnh “nóng” trong giờ học môn tiếng Anh tại một trường THPT ở Đồng Tháp gần đây như là một minh chứng chân thực, đồng thời cũng là lời cảnh báo trực quan nhất.

Giải pháp hữu hiệu, lâu dài và căn cốt, không gì hơn, không gì khác ngoài sự tự giác, tự nguyện - được giác ngộ và tự giác ngộ - của giới trẻ khi tiếp xúc, khai thác nguồn thông tin trên mạng xã hội, nhất là những thông tin trái chiều luôn dồn dập, ào ạt trong từng giây, từng phút. Có thể thấy rõ nhất là, không một ai, dù đó là những người thân thiết, nhất là cha mẹ, có thể hàng ngày kèm cặp như bóng với hình để quản lý, khống chế, triệt tiêu việc giới trẻ tiếp cận, tiếp xúc với thông tin trái chiều. Những ai hy vọng vào cách làm này là ảo tưởng và phản quy luật. Không cách gì có thể làm được vậy, tuy nhiên không thể buông thả một cách vô trách nhiệm trước con em mình, khi bị “đại dịch” thông tin trái chiều bao vây, tấn công liên tục. Nhất thiết chúng ta phải chọn phương sách, tiến trình khác, nhọc nhằn, vất vả, khó khăn, gian nan, nhưng chắc chắc sẽ mang lại kết quả tối ưu, toàn diện, bền vững hơn. Đó là hệ thống những quy trình, biện pháp giáo dục giới trẻ, giúp họ xác lập được một cách vững vàng kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin nói chung, thông tin xấu, độc nói riêng.

Có thể nói, từ trước đến nay, chúng ta mới chủ yếu là tuyên truyền, khuyến cáo chung chung, chứ chưa có, hoặc có mà rất ít, rất thiếu chuẩn mực, đồng bộ một bộ chương trình giáo dục kiến thức, tri thức và kỹ năng về tiếp nhận thông tin cho mọi người nói chung, giới trẻ nói riêng. Đừng tưởng việc này là không cần học, cứ thả nổi là được! Phát ngôn như một triết lý nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên” đúng trong mọi trường hợp của hoạt động giáo dục, càng đúng trong giáo dục về kỹ năng tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin trái chiều. Thông tin xấu, độc từng giờ muốn biến người “hiền” thành “dữ”. Mọi biện pháp hành chính, pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa trước diễn biến này. Chỉ có giáo dục - giáo dục bài bản, kiên trì, có định hướng đúng - mới có thể gìn giữ, phát huy phẩm chất “hiền” trong mỗi người, nhất là trong giới trẻ, không để “quỷ dữ” xâm nhập, làm tha hóa.

Lại nhắc đến mô thức giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội, như là cái kiềng ba chân vững vàng. Chỉ khi cả hệ thống này cùng vào cuộc một cách tích cực, thường xuyên, liên tục, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, như “mưa dầm thấm lâu”, từng giây phút một, tác động đến tâm hồn, trí óc của giới trẻ, giúp các em từng bước phân định được đâu là tốt, đúng, hay... đâu là xấu, sai, dở... trong vũ trụ thông tin bao la kia, để chọn cho mình một cách tiếp cận và lĩnh hội chuẩn mực và đích đáng nhất.

Một khi chúng ta thực thi kịp thời, đồng bộ hoạt động giáo dục này, tin rằng giới trẻ sẽ từng bước biết cách chọn cho mình những thông tin đích thực, đúng đắn để nắm bắt, lĩnh hội, qua đó, vững vàng bước đi, lớn lên một cách lành mạnh, tự tin.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn