Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dễ:
Hai lần tiễn con đi...
Cập nhật ngày: 08/08/2014 04:54:34
Tiễn 3 người con lên đường nhập ngũ và rồi nhiều lần Mẹ khóc thầm lặng lẽ bởi 2 người con đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau mất đi “giọt máu” của mình như xé nát ruột gan của Mẹ. Song, Mẹ vẫn kiên trung, vượt qua nỗi đau tinh thần để tiếp tục sống và cống hiến cho cách mạng. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Dễ (SN 1929) ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự.
Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thường Phước 1
Nguyễn Thị Kim Liên thường xuyên đến thăm hỏi mẹ VNAH Nguyễn Thị Dễ
Dù đã bước sang tuổi 85, đôi tai Mẹ không còn nghe rõ, đôi chân đã yếu nhưng những kỷ niệm về hai người con là liệt sĩ Phạm Văn Dũng (SN 1949) và Phạm Văn Xương (SN 1954) không hề phai nhạt. Nhắc đến hai con, đôi mắt của mẹ lại nhoè nước, Mẹ kể: Mẹ có 11 người con (5 con trai), anh Phạm Văn Dũng là con thứ 3. Trong ký ức của Mẹ thì anh rất ngoan hiền và có hiếu. Mẹ vẫn nhớ anh Dũng tham gia cách mạng năm 1967, thời điểm cuộc kháng chiến của dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Anh hy sinh ở chiến trường Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào Tết Mậu Thân năm 1968, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Không nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của người mẹ mất con, dẫu biết rằng chiến tranh có đau thương, mất mát, nhưng mẹ Dễ chẳng thể ngờ chỉ hơn 1 năm mà chiến tranh đã cướp của Mẹ người con yêu quý, Mẹ dường như ngã quỵ. Đôi mắt Mẹ mờ đi sau bao đêm dài khóc cạn nước mắt vì thương nhớ con nhưng mẹ luôn tự nhủ không thể gục ngã. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, Mẹ vẫn tiếp tục động viên các người con trai còn lại lên đường đánh giặc. Năm 1970 và 1972, lần lượt người con thứ năm, Phạm Văn Xương và con thứ tư, Phạm Văn Khách (SN 1951) tham gia cách mạng. Năm 1978, Trung đội trưởng Công an nhân dân vũ trang Phạm Văn Xương hy sinh tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong một lần chiến đấu chống quân Pôn Pốt. Còn anh Khách làm công tác khám chữa bệnh, băng bó vết thương cho chiến sĩ ta cho đến ngày đất nước giải phóng.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, Mẹ nói: “Nghe tin thằng Dũng hy sinh, Mẹ lên tận chiến trường ở Sài Gòn để tìm xác con nhưng không gặp, có lẽ nó đã trúng bom, cũng không biết chính xác nó hy sinh ngày nào. Buồn nhất là con hy sinh mà không tìm được mộ. Bây giờ, Lễ giỗ của thằng Dũng và Xương được tổ chức cùng một ngày (21/4 hàng năm) theo ngày hy sinh của thằng Xương”. Riêng bản thân mẹ Nguyễn Thị Dễ cũng đã tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Chồng của Mẹ, ông Phạm Văn Bê (SN 1926) tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông lập nhiều chiến công và được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ông vừa qua đời năm 2013. Ngoài ra, cha của Mẹ cũng là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Mẹ Dễ đang sống chung với vợ chồng người con trai út - anh Phạm Văn Hùng. Các con của Mẹ đều trưởng thành và có gia đình riêng. Những năm tháng cuối đời, Mẹ có cuộc sống an nhàn, vui vẻ bởi con cháu hiếu thảo; được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là chính quyền địa phương. Mẹ Nguyễn Thị Dễ vừa được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH.
Nhựt An