Hàng chục hộ dân ở biên giới “khóc ròng” vì lỡ vay nóng cất nhà
Cập nhật ngày: 25/10/2013 06:21:16
Nhận “quyết định” trong vòng 1 tháng phải vào cất nhà nếu không chính quyền sẽ thu hồi lại nền, nhiều hộ dân nghèo ở các cụm, tuyến dân cư biên giới của tỉnh phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để cất nhà và rơi vào cảnh nợ nần. Cùng với đó là nỗi bất bình của các hộ dân về việc bố trí nền thiếu công bằng của những người có trách nhiệm.
Người dân ở Cụm dân cư Cây Dương đến phản ánh việc bố trí nền
không đúng đối tượng của lãnh đạo xã Tân Hộ Cơ
Dân khổ vì phải cất nhà trong vòng 1 tháng
Năm 2010, vợ chồng ông Phạm Văn Lập (SN 1967) xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự quyết định chọn xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng làm nơi định cư lâu dài. Không có “cục đất chọi chim”, nhưng gia đình ông Lập rất an tâm vì được địa phương cho nhập hộ khẩu và được tạo điều kiện hỗ trợ bán 1 nền nhà trả chậm trong Cụm dân cư (CDC) Cây Dương, ấp Chiến Thắng vào giữa năm 2012.
Giống như những hộ dân khác, nhận được nền nhà, vợ chồng ông dự định khi có đủ vốn sẽ cất căn nhà khang trang để ở. Tuy nhiên, gia đình ông Lập và nhiều hộ dân khác nhận được thông báo của lãnh đạo xã: Nếu trong vòng một tháng hộ nào không cất nhà sẽ bị thu hồi nền lại. Nhà cất phải đảm bảo các tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, cột cứng, mái cứng thì mới nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ từ Dự án Di dân biên giới như theo quy định của Chính phủ.
Do sợ bị thu hồi nền, ông Lập và nhiều hộ nghèo trong CDC Cây Dương phải đi vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao để có đủ tiền cất nhà theo tiêu chí “3 cứng”. Căn nhà tường diện tích 4,2mx15,5m của ông Lập hoàn thành vào tháng 9/2013 trong nỗi lo của gia đình. Ông Lập bày tỏ: “Gia đình tôi phải vay thêm 20 triệu đồng với lãi suất 1,6 triệu đồng/tháng để hoàn thành căn nhà. Có nhà mới để ở, nhưng từ khi cất xong tới giờ tôi ngủ không yên giấc. Còn thiếu nợ nên đứa con gái nhỏ mới 16 tuổi phải nghỉ học lên thành phố làm thuê cùng với mẹ và anh hai nó, còn tôi ở nhà làm thuê bữa được, bữa không. Gia đình tôi rất mong nhận được số tiền 20 triệu đồng của Dự án Di dân biên giới để trả nợ”.
Hoàn cảnh của anh Phan Văn Thái (SN 1985) ở nhà đối diện với ông Lập còn thê lương hơn. Gia đình nghèo, sống bằng nghề làm thuê, nên khi được địa phương xét bán trả chậm 1 nền trên CDC, vợ chồng anh rất vui mừng. Vợ chồng anh chỉ dành dụm được 5 triệu đồng nên việc cất nhà trong vòng 1 tháng theo tiêu chí “3 cứng” là vấn đề nan giải. Tháng 9/2012, thấy nhiều người trong CDC vay tiền cất nhà, vợ chồng anh Thái cũng đi vay 30 triệu đồng, lãi suất 1,5 triệu đồng/tháng để cất căn nhà gỗ, mái tôn để ở. Anh Phan Văn Thái nói: “Vợ chồng em phải chạy lo từng bữa ăn, món nợ 30 triệu đồng không biết khi nào mới trả được”.
Bất cập trong việc xét bố trí nền cho người dân
Theo Dự án Quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Campuchia tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2008-2015 đã được phê duyệt, toàn tỉnh có 20 cụm, tuyến dân cư được xây dựng mới ở huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự, dự kiến bố trí cho 1.200 hộ dân vào ở. Theo quy định của Chính phủ, những hộ dân được bố trí vào ở ổn định ở các cụm, tuyến dân cư biên giới này sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/căn/hộ từ nguồn kinh phí của Trung ương, đồng thời sẽ được xét hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định. Vì có nhiều sự hỗ trợ nên việc xét đối tượng nhận nền nhà trong các cụm, tuyến dân cư này ở nhiều địa phương chưa thật sự khách quan, đúng đối tượng.
Cụ thể, đối với CDC Cây Dương được quy hoạch 418 nền, hiện đã bố trí xong. Theo phản ảnh của một số người dân sống trong CDC Cây Dương, Hội đồng bình xét của xã Tân Hộ Cơ không thật sự khách quan. Có nhiều đối tượng không thuộc diện nhưng được Hội đồng xét cho nhận nền, trong khi nhiều người dân nghèo sống ở địa phương đã lâu, không có nhà ở nhưng không được xét. Như trường hợp gia đình bà Hồ Thị Khảnh (SN 1947), là hộ nghèo có hộ khẩu từ năm 2008, không có đất đai, không có chỗ ở phải ở nhờ các hộ dân khác. Gia đình bà đã nhiều lần làm đơn xin địa phương xét nền nhưng Hội đồng bình xét bỏ qua. Trong khi đó, nhiều người gia đình khá giả, có nhà cửa và hộ khẩu ở nơi khác lại được bình xét nhận nền. Người dân nêu một số trường hợp điển hình như trường hợp của ông Lê Tấn Tài - Phó trưởng Công an huyện Tân Hồng, có hộ khẩu và có nhà ở tại thị trấn Sa Rài được nhận nền cặp theo Quốc lộ 30. Hay như trường hợp của ông Hồ Chí Cao - Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ cũng được Hội đồng xét bố trí nền mặc dù ông không phải đối tượng “quá khó khăn”.
Ông Hồ Chí Cao - Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ giải thích: “Việc bình xét, bố trí dân vào CDC Cây Dương là do Hội đồng quyết định. Việc Hội đồng bố trí cho tôi nền trong cụm là do tôi có hộ khẩu trên địa bàn xã phù hợp với đối tượng được bố trí như theo hướng dẫn của huyện. Còn đối với anh Tài có nhà và hộ khẩu ở thị trấn Sa Rài được xét là do vợ của anh mướn địa điểm buôn bán trên địa bàn xã, thấy quá khó khăn nên Hội đồng bình xét để tạo điều kiện cho gia đình anh mua bán thuận lợi”.
Và còn rất nhiều hộ dân khác có điều kiện kinh tế khá giả, có nơi ở tương tự được xét bố trí nền trước sự ngỡ ngàng của nhiều hộ nghèo không có nơi ở trong xã. Cũng theo ông Hồ Chí Cao, việc xã ra thông báo các hộ dân được xét vào ở CDC trong vòng 1 tháng phải cất nhà đó là do quy định của huyện và tiêu chí “3 cứng” cũng do cấp trên triển khai xuống để người dân cất nhà ở được lâu dài và an toàn.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, đối với Dự án Di dân biên giới tỉnh giai đoạn 2008 - 2015, các hộ dân nếu được địa phương chọn bố trí vào CDC biên giới, đúng đối tượng, vào ở ổn định và nhà cũ nếu dỡ xong chuyển về nơi ở mới sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
Anh Lê Hồng Thái - Trưởng Phòng PTNT, Chi Cục PTNT, cho hay, đối với Dự án Di dân biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2008-2015, trong năm 2013 từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, Phòng đã phối hợp với địa phương thẩm định và trả tiền hỗ trợ cho 121 hộ ở CDC Cây Dương, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 cũng chi hỗ trợ cho 50 hộ dân khác với số tiền 20 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ đã cất nhà xong, Phòng PTNT cũng đang tiến hành khảo sát. Qua khảo sát phát hiện nhiều hộ dân tự ý đổi nền đã được bố trí. Phòng đang đề nghị địa phương xem xét, thay đổi phê duyệt dự án cho các hộ dân vào ở ổn định để chi trả tiền hỗ trợ từ dự án khi có nguồn vốn của Trung ương chuyển về.
Nhiều hộ dân biên giới hiện lâm vào tình cảnh khó khăn khi vay tiền với lãi suất cao để cất nhà ở CDC biên giới rất mong nhận được tiền hỗ trợ từ Dự án để giảm bớt khó khăn, đối với họ nhận được tiền sớm ngày nào thì nỗi lo “trả nợ” giảm bớt ngày đó. Các hộ dân này rất cần được xem xét, hỗ trợ từ các cấp, các ngành để ổn định cuộc sống.
Phú Thuận