Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng
Cập nhật ngày: 05/07/2013 05:05:38
Đa số người chưa thành niên VPPL là nam giới
Theo báo cáo của Công an tỉnh, người chưa thành niên VPPL: năm 2011 xảy ra 352 vụ, tăng 56 vụ, gồm 560 em (56 nữ), tăng 115 em so với năm 2011; năm 2012 xảy ra 295 vụ, giảm 57 vụ, gồm 418 em (26 nữ) giảm 142 em so với năm 2011.
Sinh hoạt CLB sức sống trẻ thị xã Sa Đéc
Các hành vi VPPL phổ biến do người chưa thành niên thực hiện bao gồm: trộm cắp (183 vụ, 284 em), cố ý gây thương tích (78 vụ, 136 em), gây gối trật tự công cộng (25 vụ, 29 em), đánh bạc (43 vụ, 94 em), giết người (5 vụ, 6 em), cướp (10 vụ, 15 em), cướp giật (15 vụ, 20 em), hiếp dâm (9 vụ, 15 em); các vi phạm khác là 278 vụ, 383 em. Đa số người chưa thành niên VPPL là nam giới (91,6%) và ở độ tuổi từ 16 đến 18 (58%).
Trong tổng số 978 người chưa thành niên VPPL trong năm 2011 và 2012, đa số lần đầu tiên thực hiện hành vi vi phạm (853 em, chiếm 87%). Số chưa thanh niên VPPL từ 2 lần trở lên là 125 em, chiếm 13%. 23% người chưa thành niên VPPL được xử lý bằng các biện pháp không chính thức như giao cho gia đình quản lý giáo dục, kiểm điểm hoặc xử lý bằng hình thức khác và 77% bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm
Nguyên nhân, chủ yếu là do gia đình và phương pháp quản lý giáo dục của gia đình; từ phía nhà trường; từ môi trường xã hội; từ chính bản thân của thanh, thiếu niên.
Một số gia đình chưa có phương pháp quản lý, giáo dục con đúng đắn như dễ dàng thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con, kể cả các yêu cầu không chính đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Cha mẹ nuông chiều thái quá, coi nhẹ hoặc bỏ qua lỗi lầm, không giáo dục cho con ý thức lao động, tạo cho con thói quen, tâm lý đòi hỏi, hưởng thụ, sống ích kỷ, ỷ lại, lười lao động, coi thường cha mẹ và người thân. Ngược lại, một số cha mẹ khi thấy con có lỗi đã không khuyên răn, giúp đỡ con sửa chữa mà lại đánh đập, chửi mắng con hoặc có những biện pháp kỹ luật hà khắc. Điều này, khiến người chưa thành niên mặc cảm, dễ dấn sâu vào con đường VPPL.
Một số gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của con cái hoặc đối xử với con cái không công bằng. Có trường hợp con cái bỏ học hàng tháng, đi chơi qua đêm, nghiện hút và có hành vi VPPL mà cha mẹ không hề hay biết. Một số trẻ mồ côi hoặc cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn luôn cảm thấy thiếu hụt về mặt tình cảm, dễ phát triển lệch lạc do thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình. Một số trẻ khác do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, từ nhỏ đã phải lang thang kiếm sống, có trường hợp các em phải nuôi cả gia đình, khiến các em có suy nghĩ là kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả không bằng sức lao động chính đáng nên rất dễ dẫn đến VPPL.
Việc dạy học trong nhà trường không toàn diện, chủ yếu dạy về chữ, chưa quan tâm dạy làm người, ít chú trọng đến uốn nắn, chỉnh sửa các hành vi sai trái của học sinh, chưa đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh. Sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường còn thiếu chặt chẽ.
Do những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với những thiếu sót trong việc quản lý của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Các hoạt động kinh doanh giải trí ở các quán Karaoke, dịch vụ Internet, khách sạn, dịch vụ cầm đồ... đang phát triển nhanh nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng nên vô tình tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tụ tập, một số dễ bị lôi kéo vào con đường VPPL. Các khu vui chơi cho thanh thiếu niên còn thiếu nhiều, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa chưa có. trong khi đó nhiều vật phẩm tinh thần độc hại lại phát tán rộng rãi đang tác động hàng ngày, hàng giờ đến thanh thiếu niên,...
Thanh thiếu niên là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Đặc biệt ở độ tuổi 12-18, là độ tuổi quá độ thành người lớn, người chưa thành niên luôn ham thích sự mới lạ, hiếu động, thiếu kỹ năng kiềm chế. Do đó, có trường hợp chỉ vì cái nhìn thiếu thiện cảm hay xích mích nhỏ mà các em đã thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người hoặc dễ bị các đối tượng xấu trong xã hội kích động, lôi kéo vào con đường VPPL. Một số người chưa thành niên VPPL do không có việc làm ổn định nhưng lại thích tiêu xài, hưởng thụ nên đã có hành vi trộm cắp, cướp giật.
Mục tiêu hỗ trợ
Mục tiêu của việc hỗ trợ người chưa thanh niên VPPL dựa vào cộng đồng là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xử lý chuyển hướng, thay thế xử lý không giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên VPPL; tăng cường năng lực cho cán bộ tham gia thực hiện mô hình và cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành; tăng cường sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng đối với việc xử lý chuyển hướng, xử lý không giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên VPPL.
Theo đó, tiến hành quản lý đối với các trường hợp người chưa thành niên VPPL và có nguy cơ VPPL; xây dựng chương trình họp nhóm gia đình; tập huấn kỹ năng sống cho người chưa thành niên VPPL; tập huấn kỹ năng làm cha mẹ cho cha mẹ của người chưa thành niên VPPL và có nguy cơ VPPL; hỗ trợ tâm lý xã hội cho người chưa thành niên VPPL trong các trường giáo dưỡng; chuyển người chưa thành niên VPPL đến các dịch vụ hỗ trợ thích hợp...
Tập huấn về tư pháp cho cán bộ của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, lao động, tư pháp, đoàn thể xã hội; tập huấn về quản lý cho cán bộ được tuyển dụng để thực hiện công tác quản lý; xây dựng quy chế liên ngành nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên VPPL; tập huấn kỹ năng điều hành họp nhóm gia đình cho cán bộ tổ hòa giải cơ sở, cán bộ được tuyển dụng; tập huấn về điều tra, truy tố, xét xử, thân thiện đối với trẻ em cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...
Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương; truyền thông trực tiếp về quyền của người chưa thành niên VPPL, lợi ích của các biện pháp xử lý tại cộng đồng, vai trò của gia đình và cộng đồng.
TN