Khó khăn trong việc mở lớp dạy nghề nông nghiệp

Cập nhật ngày: 03/07/2013 04:41:52

Theo kế hoạch, năm 2013, huyện Lấp Vò triển khai 61 lớp dạy nghề nông nghiệp như đăng ký ban đầu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, huyện chỉ mở được 2 lớp. Nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí hỗ trợ và khâu vận động, do nghề đào tạo chưa gắn với thực tế sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân.


Lớp dạy nghề sản xuất xoài theo hướng GAP tại xã Định Yên,
huyện Lấp Vò

Với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, thị xã Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh (TPCL) đã đăng ký mở 15 lớp dạy nghề nông nghiệp nhưng từ đầu năm đến nay vẫn không mở được lớp nào. Ngành chức năng các địa phương này đang tính đến giải pháp trả lại kinh phí đào tạo vì không có học viên.

Ông Lê Thành Tính - Trưởng trạm Khuyến nông TPCL cho biết: “Đến nay chưa nhận được phản hồi của cấp xã để có kế hoạch mở lớp. Khó khăn trong vấn đề mở lớp là do TPCL là đô thị mà mở những lớp dạy nghề nông thôn thì sau khi học xong, người dân không biết tìm việc làm ở đâu”.

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai được 35 lớp dạy nghề nông nghiệp với tổng số trên 750 học viên tham gia. Chủ yếu là các nghề trồng trọt theo hướng GAP và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, số lớp đã triển khai còn khá thấp so với số đăng ký ban đầu. Điều đó cho thấy nhiều nơi, ngành chức năng còn chưa nắm được nhu học nghề của người dân tại địa phương, nên việc đăng ký chưa khả thi.

Ông Nguyễn Hồ Thiện Trung - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại và huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp cho biết: “Trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Chúng tôi đề xuất UBND xã nên rà soát, xác định lại nhu cầu lao động trong nông thôn, thống kê lại số lượng người cần học nghề, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ sau học nghề. Hiện nay, theo quy định, tổ chức 1 lớp 30 học viên thì rất khó và số lượng học viên cũng không đủ, sắp tới chúng tôi đề nghị mỗi lớp 20 học viên”.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trong thời gian tới sẽ kiến nghị điều chỉnh một số vấn đề như: mở rộng độ tuổi, tăng tiền ăn cho học viên chính sách và hỗ trợ cho người không thuộc diện chính sách để tăng số lượng học viên. Ước thực hiện đến cuối năm, toàn tỉnh có thể hoàn thành khoảng 100 lớp. Số kinh phí hỗ trợ cho hơn 80 lớp còn lại sẽ được chuyển giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho các hoạt động dạy nghề nông thôn khác.

Kim Bông

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn