Học sinh cần cẩn trọng với mạng xã hội

Cập nhật ngày: 30/05/2016 14:52:21

Nhiều học sinh tham gia mạng xã hội để biểu lộ những yêu thương với người bạn khác giới đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng và ảnh đến hưởng đến việc học.


Ảnh internet.

Làm quen, kết hôn ảo

Đối với học sinh cấp THCS, THPT, các em làm quen nhau quá dễ dàng, 80% các em đều có chơi facebook. Không khó để bắt gặp những em tuổi teen đăng tải trạng thái đang “hẹn hò”, “kết hôn”, hoặc “đã li dị”. Có những em định nghĩa chuyện yêu khá gọn: “Biết nhau qua facebook; yêu nhau bởi messeger; thích nhau bởi picture, quan tâm bởi comment; hết yêu thì unfriend; ghét nhau thì block”.

Có người có con em ở tuổi này than thở: “Có con trai cũng mệt, con gái cũng mệt, nhỏ thì lo chuyện học hành, chăm sóc, lớn lên chút lại lo chuyện bạn bè, yêu đương. Con tôi 2 năm quen, yêu 3 cô bé trên facebook, lúc nào cũng kè kè điện thoại bên người, có khi cười một mình, có khi thì nằm bẹp, cáu gắt...”.

Mạng xã hội được các em tận dụng để gửi gắm lời yêu thương với người khác phái. Để chứng tỏ tình yêu của mình, các em để tên, chụp ảnh cùng người yêu đăng lên facebook như một sự khẳng định ngầm “hoa có chủ”. Vào facebook của một học sinh đang học THCS tại huyện Tháp Mười, thấy cứ 15 đến 30 phút, em lại viết những dòng thể hiện tâm trạng yêu đương của mình như: “Em à, cho dù ra sao đi chăng nữa, sóng gió như thế nào cho dù đến già cũng z, mình vẫn mãi bên nhau nhiều hơn nữa (AYE)”...

Hay khi đến mùa thi, tình cảm yêu thương của các em dành cho người khác phái lại “rộn rã” trên trang cá nhân. Một em nick N.H chia sẻ với bạn gái đang học cùng trường: “Zợ ơi, nay Zợ ngủ ngon nhe, mơ thấy chồng thôi, mai zợ thi tốt nhe, thương Zợ nhiều”. Đa số các em đều tham gia nhóm hoặc có nhiều bạn bè trên facebook, chính vì vậy các em nhận nhiều lượt like và bình luận chuyện tình cảm, tình yêu của mình. Khi yêu hay thất tình, các em cũng nhận được lời ủng hộ, động viên của bạn bè trên facebook.

Vào facebook của nhóm bạn trong trường THCS, không thấy các em đăng tải, chia sẻ những vấn đề liên quan đến bài học, mà thường thấy những dòng tin nhắn, yêu đương, những bức hình nhạy cảm. Các em cũng sử dụng điện thoại nhiều hơn, nhiều em xem điện thoại là vật bất ly thân, nhắn tin liên tục, bất kể thời gian.

Và những hậu quả

Tiếp cận những học sinh đã có người yêu, điều chúng tôi lo ngại là ngôn ngữ các em dành cho nhau, nhiều em thường sử dụng những từ ngữ tục để nhắn tin, hoặc comment trên facebook. Đôi lúc các em sử dụng những từ ngữ nhẹ nhàng, nhưng thường các em dùng những từ ngữ “sốc”, gọi người yêu bằng mày, tao, chó, chồng, vợ... Chúng tôi ghi được 1 đoạn hội thoại của 1 em học sinh giận người yêu, khi em này bận không trả lời tin nhắn của bạn gái: “Má, không trả lời. Anh ơi, anh à. Anh đâu rồi. Sao không trả lời? Hay đi ngựa rồi. Má, không trả lời. Má anh...”. Khi hỏi tại sao lại gọi, nói chuyện với người yêu bằng từ ngữ như vậy, nhiều em gái cho rằng thích, chỉ nói giỡn, thấy bạn trai cũng thích nghe như vậy?!

Yêu sớm không chỉ làm các em mất nhiều thời gian, mà còn tốn kém tiền bạc. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng một số em rất chú trọng vật chất, đi chơi phải có xe đẹp, sang, dịp lễ, Tết phải có quà. Từ chiếc áo thun cặp, con gấu bông, đến chiếc điện thoại di động đắt tiền; thông thường khi đi quán ăn, uống, con trai sẽ chịu chi phí.

Đáp ứng yêu cầu bạn gái, một số em đành lấy trộm tiền ba mẹ, đặt mua đồ trên mạng tặng bạn gái. Có em thể hiện tình yêu, dám mua dép xịn tầm 1,5 triệu đồng hay gấu Teddy vài triệu tặng người yêu. Khi nhận được quà, các em gái chụp hình đăng lên và nhận được hàng loạt comment ngưỡng mộ; khi tiền hết thì tình cũng tan.

Ngoài vật chất, các em còn học tập sa sút, do dành toàn bộ thời gian nhắn tin điện thoại, truy cập zalo, facebook, không thể tập trung học bài; từ học lực giỏi, khá, rơi rớt xuống thành yếu, kém; đạo đức hạnh kiểm không còn tốt (vì cúp cua đi chơi với người yêu). Việc quen biết yêu thương của các em học sinh làm các bậc phụ huynh không thể kiểm soát được. Các em sẵn sàng trốn nhà đi chơi, nhất là các dịp lễ, Tết.

Chị Ng. ngụ tại xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Con tôi, có lần bỏ nhà đi 2 ngày, không biết đi đâu. Tôi nghi đi cùng bạn trai nó. Khi tôi đang đi tìm, thì nó trở về nhà...”. Một số trường hợp các em quen nhau, yêu nhau qua tin nhắn trên mạng, hẹn gặp và dẫn vào nhà trọ, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Bà Vũ Thị Phương - Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục - Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Đồng Tháp) cho rằng, các em học THCS, THPT đang giai đoạn phát triển tâm lý, tình cảm chưa được chín chắn. Trong tâm lý, tình cảm các em dễ tin, dễ chểnh mảng việc học; sức khỏe bị ảnh hưởng, không còn tâm trí học, đầu óc căng thẳng... Do vậy, phụ huynh nên làm bạn cùng con, dạy con chọn bạn, uốn nắn, nhắc nhở các em khi cần thiết...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn