Khi người dân đồng hành cùng văn hóa giao thông

Cập nhật ngày: 07/12/2015 12:48:23

Phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Ban ATGT tỉnh khởi động từ năm 2011 với mục tiêu đưa giao thông đường thủy đi vào nề nếp, vận động, khuyến khích người dân đồng hành cùng chính quyền, tuân thủ nghiêm Luật giao thông đường thủy nội địa; hình thành ý thức, thói quen chấp hành các quy định, đảm bảo ATGT đường thủy, an toàn cho bản thân.


Học sinh Trường Tiểu học Thường Phước 1 B có mặc áo phao khi đến trường bằng phương tiện thủy

Vận động người dân tham gia

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin về đường thủy nội địa, Ban ATGT tỉnh phối hợp cùng các địa phương tổ chức lễ phát động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tại TP.Sa Đéc, huyện Hồng Ngự. Tại các địa điểm được chọn tổ chức lễ phát động, Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT huyện, thành phố, các nhà tài trợ đã kêu gọi người dân cùng tham gia thực hiện phong trào; đồng thời trao tặng áo phao, cặp phao cho học sinh tại địa phương để các em an toàn hơn khi đến trường; hơn 12.000 quyển cẩm nang ATGT, hơn 10.000 quyển tài liệu về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa đã được phát đến tay người dân. Sau thời gian vận động, tuyên truyền thành lập các tổ tự quản, tổ an ninh đường thủy, đội cứu hộ cứu nạn trên các tuyến sông, khu vực nước chảy xiết thường xảy ra tai nạn, người dân đều chủ động tham gia làm thành viên. Toàn tỉnh hiện có 491 chốt cứu hộ, cứu nạn với hơn 3.000 thành viên, củng cố 250 chốt xung yếu với hơn 1.500 thành viên. Các chốt cứu hộ được trang bị dây, phao cứu sinh, xuồng máy, ghe máy để kịp thời cứu giúp người bị nạn. Từ năm 2011-2015 đã cứu vớt được 141 người, phương tiện bị nạn tại các điểm xung yếu giao nhau, khu vực có nước chảy xiết.

Những hỗ trợ của Ban ATGT tỉnh đối với các bến đò ngang, bến khách có đông lưu lượng hành khách và phương tiện, người dân sống gần các bến đò ngang... đã giúp người dân dần dần hình thành ý thức, thói quen khi tham gia giao thông. Ông Nguyễn Văn Mừng ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có phương tiện thủy chở thuê vật liệu xây dựng cho biết: “Điều khiển phương tiện trên kênh, rạch dễ hơn so với trên bộ, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo an toàn. Tôi thường điều khiển ghe từ Mỹ An về Cái Bè (Tiền Giang), đôi khi từ Đồng Tháp qua Long An, cũng có bị lực lượng cảnh sát đường thủy, thanh tra giao thông nhắc nhở, tuyên truyền, xử lý. Sau những lần đó, tôi chủ động trang bị hệ thống đèn, chứng chỉ điều khiển phương tiện... Mỗi năm, tôi đều sửa chữa ghe lại đảm bảo an toàn. Hiện nay, trên các tuyến sông đều có phân luồng giao thông nên các phương tiện tuân thủ, ít khi va chạm...”.

Xuất hiện nhiều mô hình mới

So với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, Đồng Tháp được Ban ATGT Quốc gia ghi nhận, biểu dương, khen thưởng là địa phương có nhiều sáng kiến trong thực hiện phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Từ khi khởi động (năm 2011) đến nay, Ban ATGT tỉnh, cùng Ban ATGT tại các địa phương đã thành lập, nhân rộng mô hình “Tự quản về trật tự ATGT, trật tự xã hội”; “Tổ dân phòng bến thủy nội địa” (6 tổ trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc); “Đội Dân phòng đường thủy nội địa” (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung); “Tổ tự quản ATGT bến khách ngang sông” làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT, cứu hộ, giải quyết các tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, với mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nhiều địa phương đã chủ động gặp gỡ chủ phương tiện bến khách để vận động; mạnh dạn thực hiện hình thức truyền thông mới như: xây dựng mô hình “Tuyên truyền bằng loa phát thanh trên phương tiện chở khách ngang sông”. Mô hình này được Ban ATGT tỉnh chọn huyện Hồng Ngự làm thí điểm, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Ông Phạm Văn Lam - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát thực tế tại các đơn vị triển khai các mô hình, ghi nhận hiệu quả tại các bến đò ngang ở các huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự, huyện Tam Nông về việc lắp đặt loa phát thanh. Hình thức tuyên truyền này có tác động đến người dân, từng bước thay đổi ý thức người dân. So với trước đây, việc triển khai các mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu, người dân có ý thức hơn trong việc tuân thủ, thực hiện giao thông thủy...”. Ngoài ra, mô hình “Phòng, chống đuối nước trẻ em” cũng được Ban ATGT phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện, đã cấp phát 300 áo phao, 3.195 cặp phao cho học sinh cấp Tiểu học, đưa vào sử dụng 29 hồ bơi composite tại các điểm trường Tiểu học, THCS. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống đuối nước; thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, phát 900 cặp phao cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Anh Nguyễn Văn Dũng ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - người chuyên đưa đò cho học sinh đi học nói: “Việc phát áo phao cho HS, giúp các em Trường Tiểu học Thường Phước 1 đi học an toàn hơn. Khi xuống đò, tôi thường nhắc các em mặc áo phao vào để đề phòng bất trắc. Áo phao, cặp phao rất cần thiết, bảo vệ học sinh trong tình huống khẩn cấp trên đò...”.

Giải pháp lâu dài

Theo Ban ATGT tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã góp phần kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông (TNGT) thủy; trung bình mỗi năm giảm từ 2 đến 3 vụ. Từ năm 2011-2015, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ TNGT đường thủy, làm chết 13 người, bị thương 1 người, thiệt hại tài sản 7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Cống - Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: “Phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã mang lại hiệu quả tích cực. Người dân từ chỗ chưa tuân thủ Luật giao thông, lưu thông mất trật tự trên sông, tại các bến khách... đến nay đã dần dần hình thành được thói quen chủ động thực hiện đúng các quy định về ATGT; người dân được tham gia các buổi vận động, tuyên truyền, được nhận tài liệu để đọc, hiểu biết hơn, đồng thời người dân cũng yên tâm hơn khi đi qua những khu vực sông nguy hiểm. Các địa phương có trách nhiệm đầu tư hệ thống bến bãi hạ tầng tốt để phục vụ tốt hơn cho hành khách. Đối với những người chưa tuân thủ sẽ bị nhắc nhở, xử lý nghiêm. Từ những hiệu quả đó, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng văn hóa giao thông trong toàn tỉnh, duy trì các mô hình tốt, người dân sẽ an toàn hơn nữa khi tham gia giao thông trên sông...”.

Hướng đến việc phát huy ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa của người tham gia giao thông đường thủy, Ban ATGT tỉnh tiếp tục có kế hoạch tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy; cải tiến thủ tục, tạo điều kiện cho người dân hoàn chỉnh thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép hoạt động khai thác, kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Các đơn vị liên quan chủ động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... Đồng thời, Ban ATGT tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai các chương trình liên tịch tăng cường truyền thông, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cá nhân tốt tham gia tích cực trong quá trình thực hiện phong trào; kêu gọi cán bộ, công chức, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ có trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hóa; xây dựng hệ thống các tiêu chí mô hình văn hóa đường thủy cụ thể, phù hợp...

C.Phương

Ông Nguyễn Văn Cống - Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh nói: “Phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã mang lại hiệu quả tích cực. Người dân từ chỗ chưa tuân thủ Luật giao thông đến nay đã dần dần hình thành thói quen chủ động thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông”

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn