Khó khăn trong tiếp cận thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 06/03/2015 13:38:32

Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cao Lãnh tiếp nhận chỉ tiêu quản lý 31 đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật (TTN VPPL) do tỉnh giao. Hội LHPN huyện và các xã phối hợp với các ngành hữu quan địa phương tổ chức khảo sát thực tế tại từng hộ gia đình của TTN VPPL. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hội đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận, gặp gỡ đối tượng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên

Công tác giáo dục TTN VPPL trên địa bàn huyện Cao Lãnh được thực hiện thông qua kế hoạch phối hợp giữa 4 ngành: Công an, Đoàn thanh niên, Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN. Mặc dù các ngành, đoàn thể đã ký kết kế hoạch phối hợp, nhưng do một số trường hợp chưa cung cấp đầy đủ thông tin về đối tượng; sự mặc cảm, tự ti nên các đối tượng không muốn tiếp xúc với người lạ. Thêm vào đó, nhiều gia đình có con em VPPL chưa nhận thức rõ việc làm của Hội nên chưa hợp tác, thậm chí có phần bao che, né tránh, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình và ảnh hưởng đến tâm lý của con em,... Về phía Hội LHPN huyện, trong quá trình gặp gỡ, vận động cũng chưa nắm rõ quy trình xét công nhận tiến bộ để đề nghị đưa khỏi diện quản lý, nên gặp nhiều lúng túng trong công tác tuyên truyền.

Xác định đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, lâu dài, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, Hội LHPN huyện đã thảo luận và thống nhất tìm ra nhiều phương pháp tiếp cận đối tượng. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho TTN. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ Hội thường xuyên nhắc nhở, động viên gia đình và đối tượng với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”.

Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TTN VPPL như: trình độ văn hóa thấp, kinh nghiệm, hiểu biết về xã hội còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, bị lợi dụng nên dẫn đến phạm tội... Một số TTN hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm. Đối tượng TTN có nguy cơ VPPL thường không sống chung cha mẹ (cha mẹ ly hôn), sống trong gia đình hoặc khu vực có TTN càn quấy hay cha mẹ là người phạm tội... Theo giám sát của Hội LHPN huyện, hầu hết đối tượng đều không ở nhà thường xuyên, lười lao động nên khó khăn trong việc tư vấn, giới thiệu học nghề.

Với quyết tâm và lòng nhiệt thành của mình, trong năm qua, Hội LHPN huyện đã khảo sát, tiếp cận được 26/31 đối tượng TTN VPPL. Đến cuối năm 2014, có 18/31 TTN VPPL có chuyển biến tốt. Trong đó, 12 TTN thuộc các xã Mỹ Long, Bình Thạnh và Mỹ Xương được Hội đồng an ninh trật tự xã xét đưa ra khỏi diện quản lý; 6 đối tượng đã tiến bộ và có việc làm.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho TTN bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng ở cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đặc biệt là TTN có nguy cơ VPPL. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc ngăn chặn TTN VPPL và tạo điều kiện cho TTN có các hình thức sinh hoạt, giao lưu văn hóa lành mạnh...

Lê Thanh

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn