Lai Vung thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên

Cập nhật ngày: 29/04/2019 05:58:55

ĐTO - Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành và có những giải pháp cụ thể, kịp thời, kinh tế - xã hội giai đoạn 2013-2018 của huyện Lai Vung đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ tăng, hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc... những tháng đầu năm 2019 là tín hiệu khả quan để Lai Vung hoàn thành những chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015-2020.


Khách tham quan vườn quýt hồng Lai Vung.
Ảnh: Hữu Nghĩa

Sản lượng lúa hàng năm đều vượt kế hoạch (180.000 tấn), nhưng diện tích giảm dần do người dân chuyển sang trồng cây ăn trái có thu nhập cao hơn. Rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày diện tích gieo trồng hàng năm đều tăng, năng suất cải thiện, nhiều mô hình canh tác mới xuất hiện như: trồng dưa lê, mè, huệ, đậu bắp,... mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân.

Về diện tích cây ăn trái, đến nay toàn huyện có 7.798,9/7.229ha, tăng 6% so với kế hoạch, sản lượng hàng năm đạt trên 140.000 tấn, tăng 10% kế hoạch, tập trung các cây chủ lực như: quýt đường, cam, quýt hồng, nhãn, xoài, thanh long, bưởi...

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên địa bàn hàng năm đều tăng trưởng (năm 2013 đạt 3.762 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.196 tỷ đồng và năm 2018 đạt 6.371 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ). Hàng năm, các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa huyện đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan (năm 2016 là 10.700 lượt khách; năm 2017 đạt 25.000 lượt khách và năm 2018 với 45.000 lượt khách)...

Công tác xây dựng cơ bản thực hiện bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2013- 2018 là trên 832 tỷ đồng. Các công trình trong chỉ tiêu kế hoạch, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu và vốn ngân sách huyện luôn được phân khai đảm bảo, tiến độ thực hiện tương đối nhanh. Công tác quy hoạch các công trình trọng tâm, trong điểm; điều chỉnh mở rộng các chợ xã, UBND xã, mạng lưới trường lớp học giai đoạn 2016- 2020 được triển khai thực hiện tập trung.

Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đã đi vào cuộc sống, nhiều mô hình tương trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ thoát nghèo được nhân rộng như: nuôi bò ở xã Phong Hòa, trồng hoa kiểng ở xã Tân Dương... Toàn huyện có 4/11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (Long Thắng, Tân Thành, Hòa Long, Vĩnh Thới), các xã còn lại đạt 12-18 tiêu chí.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, thường xuyên với nội dung và hình thức phong phú, tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ tốt yêu cầu chính trị địa phương.

Các mô hình câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ thơ, nghệ thuật dân gian được duy trì hoạt động thông qua giao lưu văn hóa - nghệ thuật trong và ngoài huyện, luôn đạt được giải thưởng cao trong các đợt hội diễn, hội thi do cấp trên tổ chức.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu, đến nay toàn huyện có trên 94% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 100% khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa – nông thôn mới, văn minh đô thị, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn xã văn hóa – nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị.

Chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được đầu tư, cải thiện; tỷ lệ huy động học sinh ở các cấp học đến trường tăng hàng năm, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm dần và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn huyện có 16/52 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và phát triển. Đến cuối năm 2018, các xã, thị trấn đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% đến dưới 2%/năm.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn