Lai Vung tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 01/12/2014 13:28:27

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nên huyện Lai Vung thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm huyện đào tạo nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp 40% và phi nông nghiệp 60%.


Tổ may gia công tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn xã Tân Phước, huyện Lai Vung

Qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động huyện, cho thấy các nghề mang lại hiệu quả cao như: may công nghiệp, công nhân xây dựng, đan bội tre, chăn nuôi heo, gà, trồng rau, nấm rơm, ớt,... Đối với nghề may công nghiệp, sau khi học xong, học viên có thể làm việc cho Xí nghiệp may 6 tại TP.Sa Đéc hoặc cở sở may tư nhân tại xã Phong Hòa. Cơ sở may này cũng kết hợp dạy nghề và hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, đặc biệt lao động nữ với mức thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Sau khi học xong nghề công nhân xây dựng, các học viên đã thành lập được tổ công nhân xây dựng phục vụ cho các công trình tại địa phương. Riêng nghề đan bội tre phát triển mạnh tại 3 xã Tân Dương, Hòa Thành và Hòa Long nhờ nông dân trồng hoa kiểng ở TP.Sa Đéc.

Qua 4 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), huyện đã mở được 70 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với 1.570 học viên và 42 lớp nghề nông nghiệp với 1.270 học viên; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm chiếm 90%. Anh Nguyễn Văn Linh ngụ ấp Hòa Định, xã Tân Hòa chia sẻ: “Trước đây, chưa có nghề, tôi đi làm thuê nên thu nhập không ổn định. Năm 20012, tôi được giới thiệu học nghề công nhân xây dựng tại Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện. Hiện nay, tôi tham gia xây dựng các công trình nhà ở, cơ quan..., mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng”. Chị Đỗ Thị Thu Tâm ngụ ấp An Phong, xã Phong Hòa được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu học nghề may công nghiệp. Sau học nghề, chị lãnh đồ về may tại gia đình, mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng, cộng với nguồn thu nhập từ trồng huệ nên kinh tế gia đình chị đã khá hơn trước.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đào tạo nghề của huyện cũng gặp một số khó khăn nhất định như chưa tổ chức được các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề cấp huyện về những quy định, điều kiện mở lớp dạy nghề; công chức cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều việc nên không đảm nhiệm lâu dài và ổn định, dẫn đến tình trạng tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và công việc còn hạn chế;... Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện cho biết: “Thực hiện đề án đào tạo nghề, huyện tích cực vận động người dân có nhu cầu tham gia học nghề để tạo việc làm và có thu nhập. Công tác đào tạo nghề từ năm 2012 đến nay có hiệu quả, do có khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và đầu ra sản phẩm; không còn tình trạng đào tạo đại trà, sau học nghề không có việc làm gây lãng phí. Hiện nay, huyện tập trung đào tạo và nhân rộng các nghề thế mạnh ở từng địa phương như may công nghiệp ở Phong Hòa, Long Hậu, đan bội tre ở Hòa Long, trồng nấm rơm ở Tân Hòa, Vĩnh Thới,... đồng thời đẩy tuyên truyền, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động”.

MỸ XUYÊN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn