Lấp Vò nhiều năm liền kiểm soát tốt việc mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật ngày: 10/11/2020 11:03:53

ĐTO - Trong khi một số địa phương trong tỉnh có nguy cơ mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh bởi tỷ số này rất cao (nhiều nơi trên 115 nam/100 nữ) thì nhiều năm qua tỷ số giới tính khi sinh của huyện Lấp Vò luôn nằm trong ngưỡng bình thường (103-107 nam/100 nữ). Đạt được kết quả trên, ngành dân số huyện Lấp Vò đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về MCBGT khi sinh.


Hoạt động truyền thông nhóm về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện

Theo ông Lê Văn Hoằng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lấp Vò, nguyên nhân của việc MCBGT khi sinh bắt nguồn từ việc trọng nam khinh nữ, các gia đình mong muốn có con trai. Bên cạnh đó, hiện nay bằng cách siêu âm có thể giúp nhận biết giới tính khi sinh, dẫn đến tình trạng MCBGT. Và, một khi xảy ra MCBGT sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường như: thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, tảo hôn,... dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Hiểu được tầm quan trọng của việc cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, hàng năm, ngành dân số Lấp Vò đã triển khai nhiều biện pháp, mô hình, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về MCBGT khi sinh. Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục đưa các nội dung về giới tính, bình đẳng giới, MCBGT,... vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh THCS, THPT. Huyện cũng tổ chức nói chuyện chuyên đề; tư vấn trực tiếp cho thai phụ, nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn tại các cơ sở y tế về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính khi sinh và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính khi sinh; thường xuyên phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, cung cấp những kiến thức cần thiết cho đoàn viên, thanh niên,...

Bên cạnh tập trung công tác truyền thông ở cấp huyện, Trung tâm Y tế huyện còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuống các xã, thị trấn nhằm nâng cao ý thức của các hộ dân, giúp các cặp vợ chồng trẻ nhận thức được việc không nên lựa chọn giới tính trước sinh. Cụ thể, hàng năm, các địa phương đều tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền nhóm tại địa bàn dân cư, thăm hộ gia đình để chủ động nhắc nhở người dân luôn thực hiện đúng đường lối, pháp lệnh của Nhà nước về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, mỗi gia đình nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

Trong các buổi sinh hoạt, họp tổ, hội, nhóm ở địa phương, cộng tác viên dân số ở cơ sở luôn tận dụng thời gian để lồng ghép tuyên truyền trực tiếp kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền về hệ lụy MCBGT khi sinh để nâng cao hiểu biết cho người dân. Nhờ đó, nhận thức của hầu hết các cặp vợ chồng ở địa phương đã thay đổi, không có hành vi lựa chọn giới tính và sinh theo quy luật tự nhiên.

Điển hình như gia đình cô Lê Thị Bảy (ở xã Bình Thạnh Trung) dù con dâu của cô sinh 2 con đều là gái nhưng cô Bảy vẫn đồng tình cho con dâu kế hoạch không sinh thêm nữa và thương yêu 2 cháu hết mực. Cô Bảy nói: “Trai gái gì cũng con, miễn sao chúng ta nuôi dạy chúng tốt thành người có ích cho xã hội. Lo kiếm con trai rồi sinh cho đông, không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc thì tội cho chúng. Như nhà tôi chỉ có 2 đứa cháu, ba mẹ nó có thời gian chăm sóc dạy bảo nên đứa nào cũng ngoan. Đứa nhỏ mới học mẫu giáo, còn đứa lớn học lớp 6 vừa đạt giải 3 cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh. Bởi vậy, trước giờ tôi không bao giờ có quan niệm là buộc con dâu phải sinh cho bằng được con trai”.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Duyên (ở xã Định Yên). Gia đình chị chỉ có 1 con gái duy nhất nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng chị đã quyết định kế hoạch để có điều kiện phát triển kinh tế lo cho con ăn học. Hiện con gái chị đang học năm nhất Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Không hề có tư tưởng trọng nam khinh nữ, mà ngược lại vô cùng tự hào về con mình, anh Trương Ngọc Thành (chồng chị Duyên) nói: “Tôi rất tự hào và vui mừng vì con gái của mình rất ngoan và học giỏi. Với tôi, con cái là trời cho có được là quý rồi, trai gái không quan trọng, con ngoan và sống tốt là tôi vui rồi”.

Ngoài ra, ngành y tế huyện Lấp Vò còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ liên quan phát hiện, lựa chọn giới tính thai nhi và xử lý nghiêm vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ngoài tập trung vào công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, ngành y tế và dân số huyện Lấp Vò còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên cho gia đình sinh con một bề vay vốn tín dụng để sản xuất, học tập và lập nghiệp; thực hiện xét hỗ trợ, khuyến khích trẻ em gái trong gia đình sinh con một bề đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên.

Ông Lê Văn Hoằng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lấp Vò nhấn mạnh: “Truyền thông thay đổi hành vi của người dân, mà nhất là các cặp vợ chồng mới kết hôn, gia đình sinh con một bề gái, vị thành niên, thanh niên thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ để tạo ra xã hội bình đẳng giới là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết bài toán MCBGT khi sinh. Vì vậy, để duy trì kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục; cung cấp thông tin, phổ biến nội dung nhiệm vụ về MCBGT khi sinh, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của MCBGT khi sinh; các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính thai nhi”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn