Tổ kinh tế hợp tác của hộ nghèo
Cập nhật ngày: 07/08/2013 05:03:16
Giữa năm 2008, ấp 4, xã Mỹ Hòa (Tháp Mười) thành lập tổ kinh tế hợp tác trong hộ nghèo. Ban đầu tổ làm trạm bơm điện (trạm bơm điện Mỹ Tân), sau đó làm thêm dịch vụ sạ hàng và phun xịt thuốc, giúp các hộ nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, có điều kiện vươn lên.
Bà Trần Thị Hồng Ngân - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết, phần lớn nhân dân ấp 4 sống bằng việc làm ruộng nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo ở ấp này luôn cao so với các ấp khác. Để giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, trước đây xã đã xét cho vay vốn để chăn nuôi hay buôn bán nhỏ nhưng do nguồn vốn ít và không có kinh nghiệm, nên việc làm ăn không đạt hiệu quả.
Qua tìm hiểu cho thấy, nếu muốn hộ nghèo thoát nghèo thì một trong những giải pháp là có việc làm và thu nhập ổn định, nên Ban chỉ đạo giảm nghèo xã mạnh dạn đề xuất cho các hộ nghèo vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để thành lập tổ kinh tế hợp tác làm trạm bơm điện do hộ nghèo làm chủ. Qua gần 5 năm đi vào hoạt động, tổ kinh tế hợp tác này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ nghèo ngày càng phát triển.
Qua tính toán của các thành viên trong tổ, mỗi vụ, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi hộ đạt lợi nhuận 4-5 triệu đồng. Anh Bùi văn Dũng - Chủ nhiệm tổ hợp tác cho biết: “Trước đây 30 thành viên trong tổ đều là hộ nghèo vì không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, chỉ làm thuê quanh năm. Được vào tổ hợp tác, được vay 30 triệu đồng, anh em có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo”.
Ngoài nguồn thu nhập từ trạm bơm điện, đến năm 2010 tổ kinh tế hợp tác ấp 4, xã Mỹ Hòa được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ 10 máy phun xịt thuốc và tổ sắm thêm công cụ sạ hàng để làm thêm dịch vụ sạ hàng và phun xịt thuốc cho nông dân. Nhờ thực hiện nhiều dịch vụ nên các thành viên trong tổ có thêm việc làm và thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Kép, thành viên trong tổ cho biết, từ khi tham gia tổ kinh tế hợp tác làm trạm bơm điện, ngoài khoản lời được chia theo mỗi vụ, anh còn tham gia trông coi trạm bơm với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng và thay phiên với các thành viên trong tổ đi phun xịt thuốc hay sạ hàng cho bà con trong và ngoài ấp, nên thu nhập của anh tăng lên đáng kể. Đến cuối năm 2011, gia đình anh Kép đã được xét thoát nghèo và nằm trong diện thoát nghèo bền vững.
Qua gần 4 năm đi vào hoạt động, hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác đều thoát nghèo nhờ làm trạm bơm điện, phun xịt thuốc, sạ hàng.
Mộng Duy