Phòng, chống bệnh tay chân miệng: cần sự cộng tác của người dân
Cập nhật ngày: 07/08/2013 06:22:59
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 2.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 3 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2012 tăng hơn 65 ca. Mặc dù ngành y tế, các địa phương và một số ngành liên quan đã vào cuộc tích cực, song trước sự thờ ơ của nhiều người dân, khiến công tác phòng, chống bệnh gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ Võ Thị Kim Phượng điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh sáng ngày 1/8/2013, bác sĩ Võ Thị Kim Phượng cho biết: “Khoa Nhi của bệnh viện hiện có 4 trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh TCM đang nằm điều trị, so với tuần trước giảm 4 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân TCM nhưng chủ yếu điều trị những ca bệnh ở thể nhẹ, đối với ca độ 2 và độ 3 chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh việc điều trị đúng theo phát đồ, chúng tôi còn tuyền truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình chủ động phòng bệnh cho con, em mình”. Mặc dù số lượng bệnh nhân TCM không nhiều, nhưng khi hỏi cha mẹ của các cháu đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Cao Lãnh mới thấy người dân vẫn chưa thực sự vào cuộc trong công tác phòng, chống bệnh này.
Cháu Đào Lê Duy Khánh (SN 2011) là con trai chị Lê Thị Hồng ở ấp 1, xã Mỹ Thọ. Cháu xuất hiện các nốt bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân cách đây gần một tuần và được gia đình đưa đến bệnh viện. Chị Hồng cho biết: “Trước đó có đứa cháu ở gần nhà mắc bệnh TCM, cháu này sang nhà chơi và dùng chung bình sữa với con tôi. Sáng hôm sau, tôi thấy con tôi có biểu hiện nóng, sốt cao, sau đó có dấu hiệu nổi bóng nước ở lòng bàn chân, tôi đưa cháu đến bệnh viện khám thì mới biết cháu cũng bị mắc bệnh TCM”.
Cạnh cháu Đào Lê Duy Khánh là cháu Lê Thị Kim Thùy (SN 2011) ở ấp 2, xã Mỹ Thọ con của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Cháu Thùy nhập viện được 3 ngày. Chị Thúy cho biết: “Cháu bị sốt cách nay hơn một tuần, không có biểu hiện nổi bóng nước ở chân hay ở tay, gia đình tưởng cháu mọc răng nên hành sốt, sau đó mới đưa đến bệnh viện khám thì biết cháu bị bệnh TCM”.
Không riêng gì trường hợp của hai gia đình trên, qua tìm hiểu của chúng tôi được biết thực tế vẫn còn nhiều người chưa thực sự vào cuộc phòng, chống bệnh TCM cho cộng đồng. Đánh giá về những khó khăn và tồn tại trong công tác phòng, chống bệnh TCM trong thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại như: mức độ quan tâm của người dân đến công tác phòng, chống bệnh còn thấp và sự thay đổi hành vi vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Trong khi đó sự lưu hành của các týp virus trong cộng đồng cao. Ngoài ra, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền và thực hành về phòng, chống bệnh TCM tại địa phương chưa cao...
Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng cao trong những tháng tới, bởi vậy ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân rất quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.600 trường hợp bị bệnh ở khắp 12 huyện, thị, thành. Trong số này, các địa phương có nhiều trường hợp mắc bệnh như: huyện Cao Lãnh 622 người, thành phố Cao Lãnh 422 người, Châu Thành 257 người, Tháp Mười 225 người...
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh. Đến nay, Trung tâm y tế, Trạm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều đảm bảo đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh. Các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo và có văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh TCM... nhưng có nơi lại chưa phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên nên chưa huy động được sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể. Bên cạnh đó, nhiều người không để ý đến việc phòng bệnh TCM cho trẻ, khi con bị bệnh, một số gia đình không báo với giáo viên phụ trách lớp học để trường có biện pháp phòng bệnh tích cực. Và đây cũng chính là nguồn lây lan bệnh cho trẻ nhỏ nếu không đảm bảo vệ sinh, khử trùng...
Theo bác sĩ Võ Thị Kim Phượng: Bệnh TCM do vi rút EV71 gây ra, đây là loại vi rút dễ gây biến chứng về não cho trẻ mắc bệnh, làm trẻ có nguy cơ tử vong. Vì vậy, ngoài sự chủ động của ngành y tế, công tác phòng, chống bệnh TCM cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân để họ chủ động hơn trong phòng, chống bệnh cho bản thân và cộng đồng. Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh, phương pháp phòng, chống bệnh hiệu quả và tích cực nhất chính là ở hành vi của mỗi bậc cha mẹ, của cộng đồng, của người chăm sóc trẻ trong công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Kim Ngân