Nâng chất lượng hoạt động của các điểm cấp cứu tai nạn giao thông
Cập nhật ngày: 15/05/2015 13:47:59
Với mật độ phương tiện lưu thông như hiện nay, vấn đề va chạm giao thông, tai nạn giao thông (TNGT) rất đáng lo ngại. Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ ngày 16/12/2014 đến ngày 6/5/2015, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ TNGT đường bộ, làm chết 57 người và 26 người bị thương. Cùng với xử lý vi phạm từ các vụ va chạm giao thông, việc cấp cứu, sơ cứu kịp thời những nạn nhân bị TNGT đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cũng là điều rất cần thiết.
Thông tin số điện thoại điểm cấp cứu tai nạn giao thông để người dân nhờ hỗ trợ khi cần thiết
Hiện nay, tại các trạm tế xã, thị trấn trong tỉnh, ngoài nhiệm vụ điều trị bệnh còn là điểm cấp cứu, sơ cứu nạn nhân bị TNGT. Các trường hợp bị va chạm, va quẹt nhẹ, tự té được chuyển vào tuyến cơ sở điều trị kịp thời. Các bệnh viện tuyến huyện, khu vực cũng đảm nhận việc tiếp nhận cấp cứu những trường hợp người bị TNGT. Anh Nguyễn Văn Ph., ngụ khóm 3, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Tôi làm việc tại TP.Cao Lãnh, có lần say rượu bị té xe, ngất xỉu, được người đi đường chở vào bệnh viện, được sơ cứu, nẹp xương vai cố định kịp thời. Tôi được bác sĩ cho biết, nếu không được sơ cứu kịp thời, vết thương sẽ khó lành, có thể để lại di chứng về sau...”.
Tại các tuyến đường nông thôn, việc sơ cứu các trường hợp bị TNGT rất cần thiết, nhất là các vụ va quẹt, va chạm nhỏ. Các trạm y tế tại các xã chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, bác sĩ,... để sơ cứu những trường hợp người bị TNGT. Theo Sở Y tế Đồng Tháp, trong những năm gần đây, việc sơ cứu người bị TNGT được ngành y tế quan tâm, xem đây là bước quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên. Để nâng cao kỹ năng sơ cứu, cấp cứu TNGT cho các trạm y tế tuyến xã, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Sở Y tế đã tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu TNGT cho gần 500 học viên là cảnh sát giao thông, người công tác tại Hội Chữ thập đỏ cấp huyện, công an xã... đây là những đối tượng tiếp cận đầu tiên với hiện trường tai nạn, hỗ trợ nạn nhân tránh những chấn thương nguy hiểm trong quá trình di chuyển cấp cứu. Trong quý 1/2015, toàn tỉnh có 3.000 người nhập viện điều trị TNGT, trong đó hơn 200 trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên, còn lại là nhập viện trực tiếp, nạn nhân đến bệnh viện với các chỉ định điều trị tổn thương phần đầu hơn 1.200 trường hợp, các trường hợp còn lại là đa chấn thương, chấn thương chi...
TNGT thường để lại di chứng nặng nề, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cùng với ngành công an, giao thông vận tải, Sở Y tế cũng có các giải pháp giảm thiểu rủi ro cho người bị nạn khi tham gia giao thông. Theo đó, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát, củng cố hệ thống các trạm cấp cứu TNGT; đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm cấp cứu TNGT trên các tuyến đường, củng cố các trung tâm cấp cứu 115; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cấp cứu TNGT cho cán bộ y tế, đào tạo kỹ năng cấp cứu ban đầu về chấn thương do TNGT cho lực lượng cảnh sát giao thông, tình nguyện viên, thanh tra giao thông; giám sát các cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người lái xe;...
C.Phương