Xã Mỹ Trà
Nghề đan mê bồ đang khởi sắc
Cập nhật ngày: 12/02/2014 04:07:15
Cũng như những nghề truyền thống khác của tỉnh, nghề đan mê bồ ở xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh từ lâu đã được nhiều người biết đến. Thời gian gần đây, nghề này phát triển trở lại, những người còn bám nghề đều thấy vui.
Theo những lão nông ở xã Mỹ Trà, nghề đan mê bồ cứ đời ông truyền cho đời cha, đời con rồi đến cháu thế là kéo dài cũng cả trăm năm nay. Năm 2003, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm của bà con làm ra tiêu thụ mạnh, chủ yếu dùng để chứa lúa, đắp đê. Nhưng những năm sau đó nhu cầu tiêu thụ ít dần, có lúc giá thấp, nhiều người bỏ nghề, nếu còn thì làm phụ thêm bên cạnh ngành nghề chính khác. Qua thống kê toàn xã chỉ còn hơn 150 hộ, giảm 70-80%.
Thế nhưng giữa năm 2013 đến đầu năm 2014, mê bồ bắt đầu có giá trở lại. Tính đến nay, toàn xã có hơn 170 hộ làm nghề đan mê bồ, rãi đều cả 3 ấp của xã Mỹ Trà và thêm 20 hộ thuộc khóm Mỹ Thuận - phường Mỹ Phú, thu hút hàng trăm lao động nhàn rỗi. Hiện tại, sản phẩm người dân làm ra không đủ cung cấp cho thị trường An Giang, Tiền Giang, Campuchia. Theo những người đan mê bồ ở đây thì mê bồ hiện nay được dùng vào việc lót tàu, xà lan, bán sang Campuchia cho bà con dự trữ lúa, hay sấy nhãn, sấy vải.
Ông Lê Văn Thuận ở ấp 1, xã Mỹ Trà gần 80 tuổi đã có thâm niên 70 năm đan mê bồ, ông có 8 người con thì 7 người làm nghề đan mê bồ. Mặc dù theo thời gian, nghề có lúc mai một nhưng gia đình ông vẫn bám trụ cho đến nay. Hiện nay dù tuổi cao nhưng ông vẫn còn khỏe, đan giỏi như hồi còn trẻ và càng phấn khởi khi mê bồ đang có giá. Đầu năm 2013, giá một mê bồ da dài 4,2m, ngang 1,2m là 50 ngàn đồng, nay tăng 55 ngàn đồng. Còn mê bồ ruột dài 3,5m ngang 1,2m trước đây chỉ 8 ngàn đồng nay tăng 14 ngàn đồng. Đây là tín hiệu vui cho nhiều gia đình ở xã Mỹ Trà còn bám nghề. Ông Thuận chia sẻ: “Yêu thích nghề này lắm vì làm tự do, có trúc thì làm. Có lúc chẻ nan bằng tay, có lúc chẻ bằng máy, thu nhập ổn định, rảnh giờ nào làm giờ đó. Mặc dù lời ít nhưng bền, năm nay làm trúng lắm, vì giá mê bồ được nâng”.
Theo người trong nghề, đan mê bồ tuy không khó nhưng mất thời gian bởi quy trình sản xuất khá công phu. Trúc phải đi mua tận Tiền Giang, Cà Mau, ngâm nước khoảng nửa ngày, chẻ ra từng sợi nan. Đây là khâu khó nhất, nan chẻ từ phần vỏ bên ngoài được dùng đan mê bồ loại một (gọi là mê bồ cật hay là mê bồ da), giá cao hơn; nan chẻ từ ruột có độ bền kém nên giá bán rẻ hơn. Do nhu cầu, xã Mỹ Trà có khoảng 30 hộ dành dụm tiền mua máy chẻ nan, công việc đỡ vất vả lại có thời gian đan thêm nhiều mê bồ. Trung bình một người đan mê bồ hiện nay có thu nhập từ 80 ngàn - 140 ngàn đồng/ngày. Gia đình chị Nguyễn Thị Tư ở ấp 1, xã Mỹ Trà trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, do chí thú làm ăn từ nhiều nghề và làm thêm nghề đan mê bồ nay thoát nghèo, nuôi hai con học đại học. Chị Tư cho biết: “Hiện mê bồ ruột đang hút, làm bao nhiêu cũng không đủ cho lái mua nên tranh thủ có khi làm tới 9 - 10 giờ đêm. Gia đình tôi có ba người, trừ tiền vốn kiếm được 300 ngàn đồng/ngày, sống cũng ổn”. Hay như ông Nguyễn Văn Đậm ở khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú có 30 năm trong nghề đan mê bồ nói: “Mê bồ bây giờ đang hút, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi”.
Đến xã Mỹ Trà và khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú lúc này không khí làm việc của làng nghề rất nhộn nhịp. Đây không chỉ là tín hiệu vui cho người dân mà của cả chính quyền địa phương luôn mong giá cả ổn định để bà con yên tâm theo nghề, ổn định cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Hiện tại, vốn vay đến với bà con chưa cao, chỉ vài triệu đồng không đủ để bà con mua trúc hay mua sắm máy móc chẻ đan, chính quyền địa phương đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, tạo điều kiện cho xã duy trì làng nghề này.
Phương Nga