Người dân nên chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 06/06/2016 13:35:08

ĐTO - Mùa xưa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện. Có nhiều trường hợp trẻ em, kể cả người lớn mắc bệnh SXH, do đó người dân cần chủ động phòng tránh bệnh SXH.  


Nhân viên y tế phun xịt hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Chị Nguyễn Thị Luôn, ngụ ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa (huyện Lai Vung) có con 5 tuổi chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ phòng bệnh SXH cứ ngủ mùng là được. Sau khi nghe tuyên truyền, tôi biết làm vậy chưa đủ, mà cần dọn dẹp ngăn nắp đồ dùng trong nhà, xung quanh nhà... để muỗi không có chỗ sinh sản, trú ngụ. Con tôi ngồi chơi những chỗ góc khuất trong nhà bị muỗi cắn. Sau khi con bị bệnh SXH, tôi đã thấy việc phòng bệnh rất quan trọng”.

Muốn phòng bệnh SXH, người dân không nên chủ quan phải diệt muỗi, diệt lăng quăng và tránh muỗi đốt bằng nhiều cách. Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân nên đưa trẻ, người bệnh đến cơ sở y tế điều trị ngay khi có các dấu hiệu sốt cao liên tục, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn... để tránh trường hợp bị nặng.

Không chủ quan với bệnh SXH, ngay từ đầu năm, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất phục vụ công tác chống dịch; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức xử lý, dập dịch cho các cán bộ cơ sở để đảm bảo công tác chống dịch kịp thời và hiệu quả. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phòng bệnh tại hộ gia đình.

Các cơ sở y tế khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức hội chẩn đối với các ca bệnh khó; thực hiện chuyển tuyến an toàn.

Theo dự báo của ngành y tế trong cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh 2016 thì năm nay dịch bệnh SXH có khả năng sẽ tăng nhiều hơn so với mọi năm. Gần 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 1.800 ca mắc SXH, tăng 290% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 124 ca nặng.

Tại tuyến tỉnh, Sở Y tế đã phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika gây ra bằng cách tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng bằng cách đổ nước mưa còn đọng trong các vật dụng xung quanh nhà để không cho muỗi có nơi sinh sản; dọn dẹp, vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở thông thoáng...

Để nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp truyền thông. Những tháng đầu năm, huyện Tam Nông tổ chức ra quân diệt quăng lăng, tuyên truyền phòng bệnh SXH tại các xã, thị trấn.

Một số Trạm y tế trong huyện cũng tổ chức làm vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân thả cá diệt lăng quăng, cọ rửa lu khạp... Cán bộ y tế và cộng tác viên y tế đến trực tiếp nhà dân - khu vực có nhiều ca mắc SXH vận động người dân chủ động phòng bệnh.

Tính đến tuần 22, trên địa bàn huyện Lai Vung có 99 ca SXH, có 12 ca nặng. Các xã có xảy ra ổ dịch như: Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa, Trung tâm Y tế - Dân số huyện đã tiến hành đo mức độ côn trùng và xử lý dập dịch, phun hóa chất diệt muỗi; phối hợp các hội đoàn thể lồng ghép nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở để tránh muỗi đốt và phòng tránh bệnh SXH. Trung tâm Y tế - Dân số huyện tổ chức truyền thông trên địa bàn dân cư, phát hơn 1.000 tờ rơi hướng dẫn, trang bị cho người dân kỹ năng phòng bệnh. Mục tiêu của huyện là hạn chế thấp nhất số ca mắc SXH.

Để không mắc bệnh SXH, người dân nên tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt lăng quăng, tránh bị muỗi đốt.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn