Từng bước ngăn chặn bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 04/06/2016 09:20:10

ĐTO - Những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) luôn được các ngành, các cấp tăng cường nhiều giải pháp truyền thông nâng cao ý thức cho người dân.


Phụ nữ nông thôn tham gia sinh hoạt phòng, chống bạo lực gia đình

Năm 2015, toàn tỉnh có 381 vụ BLGĐ, trong đó nhiều nhất là bạo hành về tinh thần (200 vụ) còn lại là bạo hành thân thể, tình dục, kinh tế; đã có 4 vụ đối tượng bạo hành bị xử lý hình sự.

Gia đình chị Ch. - ngụ xã Tân Thành (huyện Lai Vung) thuộc hộ nghèo, có 2 con đang tuổi đi học, nhưng chồng chị không lo làm, thường hay nhậu nhẹt. Cuộc sống gia đình chủ yếu nhờ vào tiền làm thuê của chị. Chị Ch. chia sẻ: “Chồng tôi hay nhậu nhẹt, không lo lao động. Những lúc không có tiền đưa cho anh ấy mua rượu nhậu là anh ấy chửi tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ không lẽ cãi với chồng hoài và vì con nên tôi cố nhịn và chịu đựng”.

Còn chị H. - ngụ xã Vĩnh Thới cho biết: “Chồng tôi không nhậu thì cũng lo làm ăn, nhưng mỗi lần nhậu xong hay kiếm chuyện gây với tôi. Nếu tôi trả lời là anh ấy đập phá nhà cửa, không biết bao nhiêu chén, thao, nồi,... đã bị anh đập bể. Phần vì mắc cở với xóm làng, phần vì con nên tôi cố gắng cho qua”.

Xảy ra BLGĐ, do nhiều phụ nữ còn sợ, ít dám nói ra, không báo cho địa phương biết khi bị bạo hành; nhiều vụ BLGĐ xảy ra nhưng một thời gian sau địa phương mới biết hoặc khi cán bộ hòa giải đến nắm tình hình, nhiều chị vẫn còn giấu, ít nói sự thật;...

Thời gian qua, công tác truyền thông phòng, chống BLGĐ luôn được phối hợp thực hiện chặt chẽ ở các địa phương. Toàn tỉnh có 621 địa chỉ tin cậy, đã tư vấn giúp đỡ cho trên 50 trường hợp BLGĐ. Các Trạm y tế đều bố trí cán bộ tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ, đã tiếp nhận hơn 43 trường hợp và can thiệp giúp nạn nhân có được cuộc sống bình thường.

Năm 2008-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cũng tạo điều kiện cho các địa phương làm tốt công tác này như: tổ chức tập huấn kiến thức cho cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở về kỹ năng nắm bắt thông tin, xử lý tình huống, cách tư vấn khi có BLGĐ xảy ra...; phát trên 100.000 tài liệu về các văn bản, chính sách, nghiệp vụ chuyên môn về công tác gia đình; phát trên 15.000 quyển Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới; tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới vào tháng 11 hàng năm; tổ chức các hội thi sáng tác và biểu diễn các kịch bản về phòng, chống BLGĐ để nâng cao kỹ năng cho các cán bộ làm công tác hòa giải tại địa phương (Ban Tổ chức đã chuyển về địa phương in ấn các tác phẩm, làm tài liệu cho đội tuyên truyền lưu động sử dụng).

Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở phối hợp tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tuyên truyền cho chị em cách xử lí tình huống khi có BLGĐ xảy ra. Cộng tác viên khóm ấp, cán bộ hội cơ sở tìm hiểu nắm bắt tâm tư, tháo gỡ khó khăn cho các chị đang có mâu thuẫn trong gia đình, tư vấn cho các chị bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2008 đến nay, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã duy trì Câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ. Các xã, phường, thị trấn đều có CLB phòng, chống BLGĐ sinh hoạt thường kỳ hàng tháng.

Ông Lê Quang Biểu - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lai Vung cho biết: “Mục tiêu của huyện là hạn chế thấp nhất số vụ BLGĐ xảy ra. Hiện huyện tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống BLGĐ thường xuyên. Đặc biệt, trong tháng 6 hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống BLGĐ, huyện phối hợp lực lượng công an địa phương, hội đoàn thể thành lập đoàn đến giáo dục, răn đe những đối tượng còn bạo hành trong gia đình, đồng thời nêu gương gia đình tiêu biểu”.

Được biết, trong tháng 6 này, tỉnh triển khai Tháng hành động phòng, chống BLGĐ năm 2016 với chủ đề: “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống BLGĐ”. Theo đó, sẽ truyền thông, treo nhiều băng rôn với thông điệp: BLGĐ làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em; BLGĐ là vi phạm pháp luật; mọi hành vi BLGĐ cần được tố giác xử lý nghiêm minh theo pháp luật;...

Đồng thời, tại các địa phương kết hợp tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, tình hình BLGĐ và hậu quả, các biện pháp xử lý và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức trong công tác phòng, chống BLGĐ; nêu gương những gia đình tiêu biểu;...

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn