Người phụ nữ “nâng” ngàn “Hai lúa” ra “biển lớn”

Cập nhật ngày: 05/03/2019 06:12:56

Tiếp nhận công tác quản lý Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Đồng Tháp vào thời điểm... “trượt dốc”, nhưng bằng tư duy sáng tạo, cách làm hiệu quả, thiết thực, chị Nguyễn Thị Minh Tuyết đã từng bước vực dậy. Rồi bằng trách nhiệm của Bí thư kiêm Giám đốc, chị đã linh động sáng tạo ra nhiều cách làm hay, đưa Đồng Tháp trở thành tâm điểm về công tác đưa lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là XKLĐ) của cả nước.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tặng Bằng khen cho chị Nguyễn Thị MinhTuyết (thứ 2 từ phải sang)

Trong khó, ló khôn

Năm 2013, nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc TTDVLV Đồng Tháp phụ trách XKLĐ, chị Tuyết đối mặt với nhiều thách thức. “Đây là thời điểm khó khăn về XKLĐ của Đồng Tháp” - ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp chia sẻ. Cụ thể, giai đoạn năm 2011-2013, Đồng Tháp chỉ đưa được 87 LĐ đi làm việc ở nước ngoài/năm, chủ yếu ở thị trường thu nhập thấp, rủi ro cao... Tuy nhiên, với thôi thúc của người lớn lên ở miền quê (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) tận mắt chứng kiến nghịch lý: người LĐ thiếu việc làm và bản lĩnh của đảng viên nhiệt huyết, chị Tuyết đã nỗ lực và từng bước vượt qua.

Sau khi phân tích, xác định nguyên nhân giảm sút là do thiếu hiểu biết thị trường LĐ và người LĐ có trình độ văn hóa chưa cao, chưa quen với tác phong công nghiệp và nhất là hạn chế về ngoại ngữ..., chị Tuyết bắt tay cải cách.

Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, mỗi năm chị cho ra đời một sáng kiến theo hướng giải quyết vấn đề bắt đầu từ gốc rễ vấn đề. Năm 2013, với sáng kiến: “Tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp”, chị đã tạo cho các em cơ hội rèn tay nghề sát nhu cầu thực tế, tạo nền tảng để tham gia XKLĐ. Không dừng lại ở đó, năm 2014, với sáng kiến “Cải tiến công tác chuẩn bị tham gia các cuộc thi tay nghề đạt kết quả cao”, chị đã thúc đẩy tinh thần thi đua nâng tay nghề, qua đó quảng bá thương hiệu LĐ Đồng Tháp cho các doanh nghiệp tuyển dụng LĐ nước ngoài.

Sau 2 năm xây dựng nền tảng, năm 2015, chị Tuyết bắt đầu đẩy mạnh công tác XKLĐ. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng nhiều sáng kiến “Cải tiến tuyên truyền công tác quản cáo hoạt động tuyển sinh và đào tạo nghề của TTDVLV Đồng Tháp” (năm 2015); “Nâng cao chất lượng tạo nguồn XKLĐ tại TTDVVL Đồng Tháp” (năm 2016); “Xây dựng thương hiệu XKLĐ Đồng Tháp: “Uy tín, chất lượng, tay nghề và hiệu quả” (năm 2017)... chị còn chịu khó nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất thành lập và trực tiếp tổ chức thực hiện “Tổ tư vấn” đến tận các trường THPT, THCS để giới thiệu các chương trình XKLĐ, cũng như tư vấn cho học sinh THPT chưa tròn 19 tuổi tham gia chương trình vừa học nghề vừa học tiếng Nhật đi XKLĐ, hay mô hình dạy nghề gắn với đào tạo ngoại ngữ phục vụ XKLĐ. Đồng thời lựa chọn thị trường LĐ chất lượng theo hướng thu nhập cao, ổn định với sự hợp tác với công ty tin cậy và phát triển tốt... Đặc biệt, từ đề xuất của chị, Đồng Tháp đã đi đầu cả nước trong việc mạnh dạn thực hiện hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, khám sức khỏe và dùng ngân sách địa phương làm đối ứng ngân hàng để hỗ trợ thêm cho người tham gia XKLĐ vay đi làm việc ở thị trường cao cấp.

Đưa “Hai lúa” ra biển lớn làm giàu

Với việc định hướng đúng thị trường cùng với việc chuẩn bị nền tảng vững chắc cho XKLĐ tương thích với hoàn cảnh mới, chị Tuyết đã đưa nhiều “Hai lúa” nghèo ở vùng quê vươn ra “biển lớn”để làm giàu. Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Chương Phi (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh). Nhờ được đào tạo nghề, tư vấn tâm lý thỏa đáng, anh Phi không chỉ làm việc tốt, mà hun đúc khát vọng lớn: “Đi làm thuê về làm chủ”. Không chỉ tiện tặn chi tiêu để tích cóp vốn, anh Phi còn chủ động tích lũy kinh nghiệm và học kỹ năng, kỹ thuật và nhiều loại kiến thức thiết thực... chuẩn bị cho ngày trở về. Nhờ vậy mà sau 3 năm làm việc ở đất nước “Mặt trời mọc” về nước, anh Phi đầu tư cơ sở sản xuất rau củ sấy rồi dần mở rộng thành Công ty TNHH Quang Vinh, giải quyết việc làm cho hàng chục LĐ.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, trong vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Giám đốc TTDVVL Đồng Tháp, chị Tuyết đã chủ động thực hiện nhiều đột phá trong việc XKLĐ vào thị trường Nhật Bản. “Nhật là thị trường có thu nhập ổn định ở mức cao, sau 3 năm làm việc, có thể tích lũy từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/người, nhưng quan trọng hơn là LĐ sẽ có thêm ngoại ngữ, kiến thức và tác phong LĐ của quốc gia tiên tiến. Vì vậy, chúng tôi tập trung nguồn lực cho thị trường này”- chị Tuyết chia sẻ - “Điều kiện tiên quyết ở đây là thái độ, tinh thần làm việc”.

Trên cơ sở đó, chị Tuyết đã hướng XKLĐ của đơn vị vào 2 đối tượng “nòng cốt” là sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm và bộ đội xuất ngũ. Quyết định đúng đắn này đã giúp nhiều “Hai lúa” tạo ra kỳ tích: Bước lên ngôi “ông chủ” ở quê nhà ngay khi còn ở nước ngoài. Điển hình là trường hợp của Lê Nhật Trường (SN 1991 - huyện Tam Nông). Bà Đặng Thị Kim Kha (SN 1966) - mẹ của Trường chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành điện tử (Đại học Cần Thơ) không tìm được việc làm đúng nghề, qua thông tin từ TTDVVL Đồng Tháp, Trường đăng ký sang Nhật làm việc. Với mức thu nhập 34 - 38 triệu đồng/tháng, mỗi tháng Trường gởi về nhà 25 triệu đồng. Từ tiền tích lũy, tôi mua 3 công đất tại TP.Cao Lãnh rồi tổ chức trồng vườn xoài”. Vậy là Trường làm chủ vườn xoài tại Cao Lãnh ngay khi còn làm việc ở Nhật.


Chị Tuyết (bên trái) trao đổi với ông Tsurumaki Shiro – Chủ tịch Nghiệp đoàn Kobe - đơn vị đưa lao động Đồng Tháp sang làm việc tại Nhật Bản

Thắp lửa bền lâu

“Điều quan trọng trong XKLĐ không chỉ dừng lại ở chỗ người LĐ thu được bao nhiêu tiền mà chính là cái tư duy, kiến thức và tác phong từ đất nước tiên tiến. Bởi nếu có tiền mà mang về cất nhà, mua xe thì tiền đó sẽ bị “đóng băng”, nhưng nếu có tiền và có cả kiến thức, tư duy phát huy sau khi về nước thì người XKLĐ sau khi hết hạn còn mang lại sự giàu có cho nhiều người và hơn thế nữa”. Thắm nhuần lời dặn của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, chị Tuyết đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đơn vị để hướng tới mục tiêu này.

Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh đưa LĐ sang nước ngoài làm việc có thời hạn theo hướng: “Mỗi LĐ là “đại sứ” quảng bá thương hiệu LĐ Đồng Tháp, chị còn còn chủ động tham mưu để Đồng Tháp hướng TTDVVL Đồng Tháp tiến xa hơn với chiến lược phát huy nguồn nhân lực hậu XKLĐ.

Cụ thể, để hạn chế thấp nhất khả năng LĐ bỏ trốn hay bỏ việc giữa chừng vì những hụt hẫng trước sự khác biệt văn hóa, ứng xử..., chị Tuyết đã linh động ứng dụng công nghệ vào việc quản lý tầm xa. Theo đó, mỗi khóa XKLĐ, chị cho thành lập zalo nhóm để các LĐ thường xuyên có dịp tâm tình, trao đổi, chia sẻ những khó khăn và cả những sự cố để bạn bè có thể giúp đỡ ngay. “Trong các trường hợp sự cố lớn, theo kế hoạch đã thống nhất, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với văn phòng đại diện XKLĐ tại Nhật Bản để kịp thời tham gia xử lý...”- chị Tuyết cho biết thêm.

Chính cách tạo ra kênh “chia lửa” này đã góp phần sưởi ấm tình cảm xa quê và hạn chế sự cố khi LĐ làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, chị Tuyết còn tham mưu để Đồng Tháp chấp thuận chủ trương tổ chức sự kiện “khởi nghiệp” để các LĐ sau khi về nước có thêm cơ hội vào làm việc với công ty các quốc gia nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2018, chị còn làm “ngòi nổ” để Đồng Tháp tiến mạnh trong việc triển khai liên kết mở thêm kênh du học, để sau khi hết hạn, người tham gia XKLD (đủ điều kiện) tiếp tục đi tu nghiệp chương trình đại học.

“Đây là một giải pháp tuyệt vời, bởi không chỉ mang lại chức danh nghề nghiệp, tạo ra sự ổn định lâu dài cho bản thân người tham gia XKLĐ, mà còn là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo, nhưng quan trọng hơn là còn mang về cho quê hương xứ sở Đất Sen hồng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm mới và chất lửa hun đúc thanh niên dấn thân lập nghiệp”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chia sẻ.

Với những hoạt động tích cực, thiết thực và hiệu quả đó, năm 2018, chị Tuyết được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhưng với địa phương Đồng Tháp, chị là người phụ nữ có năng lực đặc biệt khi “nâng” hàng ngàn “Hai lúa” ra “biển lớn” để làm giàu cho mình, cho nhiều người và cho quê hương, đất nước.

Chỉ sau 5 năm (2014-2018) tham gia thực hiện, người đảng viên sinh năm 1972 này không chỉ đưa TTDVLV Đồng Tháp từ chỗ khó khăn, vươn lên lập kỷ lục: đưa hơn 6.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tương đương với 10 năm trước đó, mà quan trọng hơn là sự tăng trưởng về chất.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn