Người tiêu dùng trước “ma trận” thực phẩm bẩn

Cập nhật ngày: 20/05/2016 16:01:17

Thời gian qua, hàng loạt vụ “phù phép”, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn trong và ngoài tỉnh bị phanh phui đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng. “Ma trận” thực phẩm bẩn này đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang không biết phải mua gì, ăn gì.

Thực phẩm bẩn tràn lan

Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng, báo đài các tỉnh trong cả nước đã phát hiện, phanh phui hàng loạt vụ thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Ở Đồng Tháp, ngày 28/10/2015 , Trạm thú y TP.Sa Đéc phối hợp cùng Cảnh sát môi trường kiểm tra cơ sở kinh doanh gia súc - gia cầm của ông Mai Thanh Dương đã phát hiện 1,5 tấn thịt heo hôi thối trong tình trạng phân hủy đang được dùng hóa chất “biến hóa” thành thịt tươi để phân phối ra chợ trên địa bàn. Trong năm 2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 200 lượt, phát hiện 56 trường hợp bơm nước vào heo trước khi giết mổ, đã xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 300 triệu đồng.

Ở TP.Hồ Chí Minh, ngày 15/1/2016, Cục C49B và Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất măng chua ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, phát hiện 43 tấn măng ngâm hóa chất. Quá trình kiểm tra các cơ sở này, cảnh sát phát hiện 15kg hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Các chủ cơ sở kinh doanh măng khai nhận số hóa chất trên mua từ chợ Kiêm Biên với giá 26 ngàn đồng/kg. Măng khi mua về ngâm trong dung dịch hóa chất trên theo tỉ lệ: 200 lít nước cộng 1 muỗng cà phê hóa chất, dùng ngâm khoảng 100 - 140kg măng trong vòng 12 giờ. Sau đó, có thể giữ măng trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm để bán dần.

Trong tháng 4 vừa qua, Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin hàng loạt vụ như: giấm gạo làm từ acid acetic pha nước lã với công thức 1 lít acid acetic pha với 100 lít nước lã, bán với giá 1.000 đồng/lít (được Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An phát hiện); dưa cải muối có sử dụng chất vàng ô, một trong những chất màu tổng hợp dùng để nhuộm gỗ, vải, giấy, sơn tường (được ngành chức năng ở Đà Nẵng phát hiện)...

Người tiêu dùng trước “ma trận” thực phẩm bẩn

Nhiều người tiêu dùng, bà nội trợ đang thật sự bối rối trước sự bủa vây của thực phẩm bẩn. Chị Cao Thị Diệu ngụ phường 4, TP.Cao Lãnh cho biết, bây giờ việc đi chợ của chị mất nhiều thời gian hơn trước, bởi chị phải đắn đo suy nghĩ tìm cách chọn mua thực phẩm an toàn để sử dụng. Chị nói: “Giờ, khi đi chợ tôi không chỉ lo đổi món cho đỡ ngán mà còn phải suy nghĩ, tìm cách chọn loại thực phẩm nào ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Còn cô Nguyễn Kim Tuyết ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh thì chia sẻ, do công việc bận rộn, không có nhiều thời gian lựa chọn thực phẩm mỗi ngày. Nhưng thời gian gần đây, nghe thông tin thực phẩm bẩn nên cô rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình. Bây giờ, đi chợ cô chỉ mua ở những chỗ quen biết.

Trước “ma trận” thực phẩm bẩn hiện nay, siêu thị đang là nơi được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Chị Nguyễn Hồng Phượng (phường 3, TP.Cao Lãnh) cho biết, trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, chị chọn giải pháp an toàn cho gia đình là vào siêu thị để mua thực phẩm. Chị nói: “Hoa quả, thực phẩm được bày bán trong siêu thị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì có ghi nguồn gốc xuất xứ và được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên thực phẩm”. Tuy nhiên, có người đã phó mặc cho số phận, nhiều người bảo: “Không ăn cũng chết, ăn cũng chết, thôi thì cứ ăn, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.

Người tiêu dùng, bà nội trợ dù thông thái đến mấy cũng khó nhận biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Đây là vấn đề không hề nhỏ, bởi thực phẩm bẩn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của từng người dân và chất lượng giống nòi. Nếu tình trạng này kéo dài, trong tương lai, xã hội phải trả chi phí điều trị nhiều hơn cho các loại bệnh tật do thực phẩm bẩn gây ra. Trước thực trạng này, thiết nghĩ, động thái đầu tiên và quan trọng ngành chức năng nên làm là gấp rút xây dựng một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn