TP.Cao Lãnh

Nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo

Cập nhật ngày: 20/01/2016 11:44:20

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể TP.Cao Lãnh đã tập trung nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo và giảm nghèo theo hướng bền vững. Nếu như năm 2011, thành phố có 3.906 hộ nghèo, chiếm 10,27% thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 846 hộ nghèo, chiếm 2,17%.


Cơ sở sản xuất giày, dép của chị Nguyễn Thị Thủy

Những giải pháp giảm nghèo mang tính đồng bộ và phù hợp với thực tế được thành phố thực hiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản liên quan chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác giảm nghèo, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, góp phần thực hiện chương trình giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn; xây dựng nhiều mô hình như: 3 trong 1 (3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo), trong 5 năm qua có 443 hộ đăng ký giúp 151 hộ, qua đó có 150 hộ thoát nghèo; mô hình tiết kiệm hùn vốn có 597 tổ, 11.656 thành viên tham gia; mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, có 566 thành viên tham gia; mô hình thoát nghèo bền vững tại xã Hòa An gồm 2 dự án, số tiền 200 triệu đồng, có 8 hộ được hỗ trợ, đến nay cuộc sống dần ổn định. Năm 2015, thành phố hỗ trợ tiền điện cho 1.108 hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền gần 612 triệu đồng.

5 năm qua, thành phố phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu, tạo việc làm cho 4.723 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; mở 96 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa 72 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; mỗi năm vận động mạnh thường quân cất từ 100-120 căn nhà tình thương cho hộ nghèo và thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để đầu tư sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông thấy trong nhà chất đầy giày, dép thành phẩm, vật dụng dùng để sản xuất, nhân công tất bật với công việc để có đủ hàng cung cấp thị trường TP.Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Chị Thủy cho biết, năm 2012 nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nên chị có vốn làm giày, dép. Sau 1 năm, chị trả 10 triệu đồng, rồi vay lại 20 triệu đồng nữa để tiếp tục đầu tư làm và có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Bây giờ, gia đình chị Thủy là 1 trong những hộ trong xã đã thoát nghèo bền vững. Cũng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Tháp 20 triệu đồng, chị Trần Thị Thủy ở ấp 2, xã Mỹ Trà đầu tư mua thiết bị chẻ nan đan mê bồ, chị còn mượn thêm tiền của người thân để sắm chiếc ghe đi một số tỉnh mua cây trúc về đan mê bồ. Vợ chồng chị và 2 con cùng làm, mỗi ngày thu nhập khoảng 100 ngàn đồng; thỉnh thoảng 2 con trai chị cũng đi làm phụ hồ. Cuối năm 2015, gia đình chị Thủy đã thoát nghèo.

Cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, đồng bộ và phù hợp, các ngành chuyên môn thành phố còn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất về vật tư, giống cây trồng, kỹ thuật, vận động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo; hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo; phát động nhiều phong trào, vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, “Mái ấm công đoàn”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, tạo sự chuyển biến về nhận thức nên đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo;... Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo trung bình 2%/năm.

Để giảm nghèo hiệu quả và bền vững, nhất là giai đoạn 2016 - 2020, qui định chuẩn nghèo mới tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước, bên cạnh tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong công tác giảm nghèo, TP.Cao Lãnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình để thực hiện giảm nghèo một cách bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.

PHƯƠNG NGA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn