Huyện Hồng Ngự

Nhiều hộ dân chưa cất nhà trong cụm, tuyến dân cư

Cập nhật ngày: 10/10/2014 13:16:29

Dù đã được xét duyệt, phân nền, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự chưa chịu di dời vào cụm, tuyến dân cư (CTDC) được xây dựng theo Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các CTDC ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


Nhiều hộ chưa di dời nên nhiều nền nhà trong cụm, tuyến dân cư còn bỏ trống

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Ngự, toàn huyện được đầu tư 9 CTDC vượt lũ ở các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 với tổng diện tích hơn 85ha. Trong tổng số 4.708 nền, huyện đã xét duyệt cho 3.477 hộ được vào ở nhưng tính đến cuối tháng 9/2014, vẫn còn gần 1.200 hộ chưa chịu di dời vào các CTDC.

Thường Phước 1 là xã có nhu cầu nơi ở cao nhất huyện do nhiều hộ dân trong xã chịu ảnh hưởng của sạt lở hoặc đang nằm trong khu vực sợt lở cần được di dời. Xã được UBND huyện xét duyệt cho 292 nền trong CTDC ở xã Thường Phước 2. Xã tiến hành lập hồ sơ bình xét cho 96 hộ được vào CTDC, còn lại 196 hộ đang chờ kết quả phê duyệt từ lãnh đạo huyện. Nhưng tính đến nay, chỉ có 2/96 hộ di dời vào nơi ở mới.

Qua tìm hiểu, nhiều hộ dân được xét vào ở các CTDC cho biết, số vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không đủ để họ xây dựng nhà mới trên nền đã được cấp. Trong khi đó, các hộ được xét đều thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách nên khó khăn trong việc tìm vốn đối ứng. Nếu không xây dựng nhà mới mà sử dụng lại nhà đang ở, thì quá trình tháo dỡ và dựng lại cũng bị hư hại lớn do vật liệu của những căn nhà mà các hộ này đang ở đều là cây tạp được xây dựng như chỗ ở tạm tránh mưa, nắng. Ngoài ra, vào ở CTDC cách quá xa nơi ở cũ và nỗi lo việc làm cũng khiến nhiều hộ không “mặn mà” với nơi ở mới.

Cô Lê Thị Sỏi ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1 cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được chính quyền cất cho căn nhà vào năm 2010. Cuối năm 2012, sạt lở đã cuốn trôi toàn bộ căn nhà của tôi. Sau đợt sạt lở, nhờ địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng và tiền ủng hộ của bà con, họ hàng, gia đình tôi mới cất tạm được căn nhà để ở. Hộ tôi đã được xét vào CTDC rồi nhưng không biết kiếm đâu ra tiền để xây nhà theo yêu cầu. Còn nhà đang ở nếu dỡ ra thì hư hao cũng gần hết”. Hoàn cảnh tương tự cô Sỏi là hộ cụ Lương Thị Dung (SN 1946) cùng ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1. Gia đình cụ có 5 nhân khẩu quanh năm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. “Hiện đang mùa nước nổi nên công việc của gia đình tôi cũng ít dần. Cả nhà phải mò cua, bắt ốc, hái rau bán kiếm tiền mưu sinh. Được Nhà nước bố trí nền trong CTDC, gia đình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có được nơi ở mới, nhưng lo vì không có tiền cất nhà mới” - Cụ Dung than thở.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Ngự cho biết, công tác vận động người dân di dời vào CTDC trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 10 này, huyện và các xã sẽ cố gắng vận động người dân di dời vào CTDC và đến hết năm 2014 sẽ hoàn tất việc xây cất nhà trên các nền đã cấp. Để giải quyết khó khăn về kinh phí dựng nhà của người dân, huyện mời một số doanh nghiệp ngoài tỉnh như An Giang, Vĩnh Long thiết kế những căn nhà có giá thành thấp (khoảng 20 triệu đồng) phù hợp với mức vay của người dân. Nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, công tác di dời vào CTDC của huyện sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn