Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đối với rau thịt
Cập nhật ngày: 22/05/2015 06:03:59
Trong quá trình giám sát các mẫu rau, thịt trên thị trường, Đoàn kiểm tra liên ngành (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan) thực hiện hàng loạt các kiểm tra, thanh tra cho thấy tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt ô nhiễm vi sinh vượt mức cho phép trong toàn tỉnh đã giảm nhưng vẫn còn.
Do gia súc được giết mổ từ khuya và phân phối đến sáng nên khi để bên ngoài bày bán, thịt rất dễ bốc mùi. Để bảo quản thịt không bị hư hỏng, một số người lén lút tẩm ướp hóa chất hoặc trữ đông trong thùng đá để tránh hư hỏng. Nguy cơ tẩm ướp hàn the vào các loại cá chả được bày bán tại các chợ cũng là điều đáng lo. Những người chuyên làm nghề nạo cá, khi mua cá về, họ sẽ muối cá trong nước đá, khi đạt tiêu chuẩn có thể, cá được xẻ dọc, rồi nạo. Để cá dai, ít bị hư hỏng, người chế biến tẩm ướp để trữ đông. Trong tháng 4/2015, Chi Cục ATVSTP tỉnh đã lấy mẫu, kiểm tra nhanh và phát hiện 2kg chả cá, 5kg chả lụa, patê dương tính với hàn the.
Thời gian qua, Chi cục ATVSTP, Chi Cục Nông lâm thủy sản, Chi Cục Thú y đã kiểm tra thực tế tại các điểm trồng, cung cấp rau cho thị trường trong tỉnh đã phát hiện có dư lượng thuốc trên các mẫu rau. Tuy nhiên, việc truy tìm nguồn gốc, quá trình phun xịt thuốc của người trồng cũng như việc kiểm soát nguồn nước tưới rất khó khăn. Chi Cục Thú y tỉnh cũng đã kiểm tra phát hiện 11 trường hợp có bán thuốc cấm trong chăn nuôi, phạt các cơ sở hơn 80 triệu đồng.
Trong tháng 4, tháng 5, Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh đã kiểm tra nhanh 40 cơ sở kinh doanh, chế biến, trong đó có 27 mẫu kiểm tra hàn the, 11 mẫu formal, 13 mẫu độ sạch chén, dĩa... với kết quả chưa phát hiện trường hợp dương tính, nhắc nhở 12 cơ sở có giấy phép hết hạn; tổ chức 3 lớp sát hạch, kiểm tra kiến thức cho gần 80 học viên; thực hiện lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại phường 2. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh, qua kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm tại các khu vực chợ, kinh doanh ăn uống cho thấy ý thức người dân có chuyển biến tích cực hơn.
Để đảm bảo sức khỏe, Chi Cục ATVSTP khuyến cáo: Đối với rau quả tươi, hình dáng bên ngoài phải còn nguyên vẹn, không dập nát, thâm nhũn ở núm cuống, cảnh giác loại quá “mập”, “phổng phao”; phải có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo (không lựa chọn loại có màu sắc bất thường); sờ, nắm có cảm giác nặng, chắc tay (một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật cho cảm giác “nhẹ bỗng”); không có mùi lạ (nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều có thể ngửi thấy mùi hắc, mùi lạ...); không có dính “chất lạ” trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả... có các vết lấm tấm hoặc vết trắng. Đối với quả, núm cuống còn tươi, tuyệt đối không được thâm nhũn hoặc dính hóa chất bảo vệ thực vật; khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ không có sự biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả... Đối với thịt gia súc tươi (thịt heo, bò...), màng ngoài của lát thịt khô, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả; lớp mỡ có màu sắc sáng, khô, độ rắn, mùi bình thường; sờ, nắm khối thịt có cảm giác rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính; thịt bám chặt vào thành xương, màu trong, đàn hồi; khi luộc, nấu cho màu nước canh trong, mùi thơm của thịt...
C.Phương