Nhiều sai phạm từ hoạt động “xe dù, bến cóc”

Cập nhật ngày: 03/06/2016 13:58:16

ĐTO - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc” trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường QL.30, QL.80, N2, một số tuyến đường tỉnh ĐT 843, 846, 852.


Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy phép lái xe trên tuyến Quốc lộ 30

Mắc nhiều lỗi

Trong quá trình kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều lỗi vi phạm do các phương tiện “xe dù” gây ra, bất kể phương tiện chạy tuyến cố định hay không cố định.

Đối với xe chạy tuyến cố định tồn tại các lỗi như: Văn phòng đại lý bán vé cho hành khách của doanh nghiệp, khi đủ lượng khách thì cho xe “trung chuyển” khách đến bến xe để vận chuyển theo lịch trình trên tuyến, nhưng vào các thời điểm không có lực lượng kiểm tra thì doanh nghiệp không “trung chuyển” khách vào bến mà đưa xe vào đón, trả khách tại điểm bán vé rồi khởi hành theo lịch trình, hành trình tuyến cố định (như xe Q.H.; xe P.T tại Lai Vung và Lấp Vò).

Xe đăng ký chạy tuyến cố định, nhưng chỉ vào bến ký sổ tài đầu, khi chạy quay đầu tài 2 thì không vào bến ký sổ mà chạy theo hợp đồng trá hình gây mất trật tự an toàn giao thông (như các nhà xe P.N, H.H., N. tại thị trấn Mỹ An). Người điều khiển phương tiện, chủ xe đã để hàng hóa trong khoang chở hành khách, thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách.

Đối với xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, vi phạm chủ yếu gồm: không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, bán vé cho hành khách, chở người không có tên trong danh sách hành khách hoặc khi có hợp đồng thuê phương tiện và danh sách hành khách chỉ là hình thức để đối phó lực lượng chức năng; lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn nghiệp vụ vận tải khách và an toàn giao thông theo quy định; sử dụng xe không có đăng ký phù hiệu và lấy phù hiệu hợp đồng của xe khác để hoạt động nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra.

Một số công ty, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng lại chở người không có tên trong danh sách hành khách; đặc biệt Công ty TNHH MTV Q.Ph. đưa phương tiện không có đăng ký phù hiệu để chạy khách hợp đồng (sử dụng phù hiệu giả). Tại huyện Lai Vung chưa có bến xe, nên có nhiều nhà xe đưa phương tiện vào hoạt động trá hình tại ngã 5 Tân Thành như: Đ.H., P. A., M.T., B.N., N.T. Tại TP.Sa Đéc nhà xe P.V.L., tuy có đăng ký tuyến cố định bến xe Sa Đéc - bến xe Miền Tây nhưng vẫn đưa phương tiện vào chạy hợp đồng trá hình, đoàn liên ngành kiểm tra được 2 phương tiện nhưng cả 2 phương tiện đều vi phạm với lỗi: xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định và lỗi xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng bán vé cho hành khách.

Ngoài ra, tại khu vực chợ thuộc xã Tân Phước, huyện Tân Hồng có các nhà xe Q.M., Th.Nh. cho xe chạy hợp đồng trá hình. Hàng đêm khoảng từ 24 giờ đến 3 giờ sáng, các nhà xe này cho xe chạy rước khách từ bến khách ngang sông Long Sơn Ngọc xuống chợ Tân Phước và chợ Giồng Găng để đi TP.Hồ Chí Minh

Kiên quyết xử lý

“Xe dù, bến cóc” tạo môi trường kinh doanh vận tải không bình đẳng, gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan trên địa bàn; gây thất thu ngân sách do các nhà xe không phải đóng thuế cho Nhà nước...

Các loại xe hợp đồng biến tướng “xe dù” thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, hợp tác xã ký khống trước khi vận chuyển; khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình. Đáng lo ngại hơn là việc vi phạm và tái vi phạm nhiều lần của các “xe dù”, ngay cả các doanh nghiệp vận tải có thương hiệu lớn trên địa bàn tỉnh cũng tìm cách lách luật, đề cao việc tìm kiếm lợi nhuận hơn là phục vụ cộng đồng.

Qua đợt kiểm tra từ ngày 29/3 đến ngày 8/4/2016, đoàn kiểm tra đã phát hiện, giáo dục nhắc nhở, xử phạt và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 49 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 37 triệu đồng; 18 trường hợp bị kiến nghị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng; 3 trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng; 1 trường hợp tạm giữ xe ô tô 7 ngày; 12 trường hợp bị thu hồi 1 tháng phù hiệu xe chạy tuyến cố định và xe chạy hợp đồng.

Thông qua công tác kiểm tra, xử lý, đoàn kiểm tra liên ngành đã tuyên truyền, hướng dẫn cho nhiều lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, chủ doanh nghiệp các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Xe dù, bến cóc” thường hoạt động ở khắp nơi. Ngoài ra, “xe dù” không phải đóng thuế và đóng phí ra vào bến, giá cả chủ xe tự ấn định và rất linh hoạt theo thị trường: lúc ít khách nhà xe lấy giá rẻ hơn xe trong bến, lúc khách đông như vào các dịp lễ, Tết họ lại tăng giá cao hơn nhiều so các xe hoạt động trong bến, đây là nguyên nhân khiến loại xe này tồn tại.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô; chủ động phối hợp với phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội,... tập trung xử lý vi phạm đối với “xe dù, bến cóc”.

Đồng thời, theo dõi nắm bắt tình hình, phản ánh của báo chí và người dân qua đường dây nóng, chủ động có kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các tuyến giao thông trọng yếu, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô;...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn