Nhiều thanh niên vùng biên “khởi nghiệp” từ xuất khẩu lao động

Cập nhật ngày: 06/05/2021 06:17:15

ĐTO - Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện Hồng Ngự quyết định đăng ký tham gia lao động có thời hạn theo hợp đồng tại nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Không chỉ mong muốn tìm công việc với mức thu nhập cao, họ còn quyết tâm học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, tay nghề để mở ra nhiều cơ hội mới cho mình.


Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Phạm Văn Lý Em

Với mong muốn tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định nên thời gian gần đây nhiều bạn trẻ huyện Hồng Ngự đã chủ động đăng ký tham gia ứng tuyển vào các công ty lao động làm việc tại các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ba Lan... Các lao động tại huyện Hồng Ngự có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi thường có nhiều lợi thế hơn khi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động vì không chỉ có sức khỏe, quyết tâm tìm kiếm công việc ổn định, họ còn dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới; sớm thuần thục các kỹ năng cần thiết; khả năng hòa nhập với cuộc sống, công việc tốt. Đặc biệt, những lao động trẻ sau một thời gian làm việc sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để trở về làm việc tại quê hương. Cùng với đó, họ có cơ hội quay trở lại các thị trường lao động ở nước ngoài cao hơn.

Một trong những chính sách rất quan trọng mà tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ các lao động địa phương là được tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian ký kết hợp đồng lao động, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được vay 100% mức chi phí xuất cảnh. Hằng năm, huyện Hồng Ngự có từ 80 – 140 lao động tham gia đi lao động và được tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Anh Phạm Văn Lý Em ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B cho biết, nhờ vốn vay NHCSXH mà anh có điều kiện tham gia lao động tại Nhật Bản. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, số tiền tích lũy được anh đang đầu tư khởi nghiệp với mô hình nuôi cá lồng bè.

Có thể khẳng định, huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung là địa phương tích cực xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài như: vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, hỗ trợ tiền khám sức khỏe, tập trung tuyên truyền, tư vấn... Nhiều công ty cam kết công khai, minh bạch các khoản thu trong xuất khẩu lao động; đào tạo nghề không thu tiền; đảm bảo việc làm đúng thỏa thuận... Từ đó, giải quyết được lượng lao động trẻ không có việc làm tại địa phương và cũng như tạo nguồn lao động chuyên môn, chuyên nghiệp cao sau khi xuất khẩu lao động về nước. Anh Võ Văn Thuận ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Sau thời gian lao động tại Nhật Bản 3 năm, bản thân em cũng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của nước bạn. Hiện tại, em dự kiến đầu tư vào sản xuất dâu tây trong nhà lưới với công nghệ mới và nếu mang lại hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng”.

Bên cạnh việc cho vay hỗ trợ lao động tham gia xuất khẩu lao động tại nước ngoài thì NHCSXH huyện Hồng Ngự còn tạo điều kiện để các lao động tại địa phương được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các chương trình như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... với số tiền hơn 400 tỷ đồng cho hàng chục ngàn hộ vay. Ông Nguyễn Kha Minh - Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh huyện Hồng Ngự cho biết, việc tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là việc làm thường xuyên và cốt lõi. Chính nhờ nguồn vốn giải ngân kịp thời đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Là huyện vùng biên giới trong điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn nhưng những chính sách mà NHCSXH triển khai nhiều năm qua đã thực sự là cánh tay “trợ lực” để lao động trẻ, lao động có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện làm việc và nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực trau dồi kiến thức, tay nghề và kỹ năng sống.

CHÍ TRUNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn