Nhịp đời cồn nổi
Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:27:53
Phía sau chợ Chòm Xoài (ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) là bến đò qua cồn nổi. Cồn nổi được đặt theo thứ tự từ 1 đến 3, duy chỉ có cồn nổi số 2 là có người ở. Lời “gợi ý” của anh lái đò tên Dũng, càng thôi thúc tôi đặt chân lên xứ cồn: “Chị là nhà báo hả? qua cồn nổi đi để tìm hiểu đời sống người dân bên đó. Tui từng ở đó mấy năm, chịu không xiết nên về đất liền, vừa buôn bán nhỏ, vừa đưa đò…”.
Người ở cồn nổi xem ti vi, sạc điện thoại bằng bình ắc-quy
Người đưa đò cồn nổi
Thú thiệt khi xuống chiếc đò của anh Dũng sang sông, tôi hơi sợ vì xung quanh toàn nước, sóng gió bất ngờ. Trấn an tôi, anh Dũng cười khì: “Chị yên tâm, đưa đò nhiều năm tôi biết sóng nào đi được, sóng nào không đi được”. Đò đi 4km mới tới bến, lượt đi và về gần 30 phút, vậy mà 1 người, 2 người, anh Dũng cũng khởi hành, khách toàn là những người bên cồn nổi hay người có đất trồng rẫy bên đó. Dù cồn ở khá xa, nhưng khuya hay gần sáng, chỉ cần chiếc điện thoại di động reo có người bên cồn gọi, anh Dũng lật đật xuống đò nổ máy chạy, mỗi chuyến chỉ 5.000 đồng/người.
Anh nói: “Tiền bạc đâu có bao nhiêu, người bên cồn gọi là tôi đi. Có bữa khuya đang ngủ, người bên cồn điện nói có người nhà đang hấp hối cần qua đò gấp hay nhỏ con thiếm Út đau bụng lúc 2 giờ sáng phải sang đò đi bệnh viện...”. Mấy đứa học sinh ở cồn qua sông đi học, anh đều chở miễn phí. 6 giờ 30 phút sáng một chuyến đi, trưa tan trường chở mấy em từ chợ Chòm Xoài về cồn, rồi tiếp tục đưa mấy em học buổi chiều.
Ngoài đưa đò, anh Dũng kiêm luôn chuyện sạc bình, chở đồ rẫy hay đi mua dùm người ở cồn cái len, cây cuốc, vài viên thuốc, ít dầu lửa thắp đèn. Có lẽ anh tốt bụng, nên người ta tin cậy. Tôi mới thử gợi chuyện anh Dũng đưa đò, mấy chị, mấy em học sinh ngồi chung đò đọc số điện thoại anh vanh vách không sót số nào.
Cuộc sống thập niên 80
15 phút ngồi đò xuyên qua dòng sông rộng, chúng tôi đặt chân lên cồn nổi số 2. Thời này, người dân cồn nổi vẫn còn sống cảnh đèn bình, đèn dầu như hồi những năm 1980. Một số gia đình mua bình ắc quy vài triệu đồng, sắm thêm cái ti vi trắng đen được xem là giàu, đa số còn lại thắp đèn dầu. Trong không gian vắng lặng, chợt nghe âm thanh cải lương mùi mẫn, tôi men theo con đường đất nhỏ, qua một luống bắp còn sót lại lá vàng, đến quán tạp hóa nhỏ xíu của người được cho là giàu, sướng nhất xứ cồn.
Chị Nhàn chủ quán nói: “Ở đây có điện đài gì đâu mà nghe nhạc, coi ti vi cô ơi! Ghiền cải lương quá, mấy đứa nhỏ cài trong điện thoại, mua bình về sạc điện thoại rồi nghe cho vui”. Chị chỉ tôi cái bình và mớ dụng cụ sạc điện thoại di động bằng bình (thú thiệt trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy cái đồ sạc nào lạ lùng đến thế). Chị Nhàn gim chuôi vào điện thoại, kẹp 2 cái kẹp vào bình điện và cho biết sạc vài lần là đồ sạc hư luôn, một năm tốn vài chục cái đồ sạc.
Mỗi tuần chị Nhàn chở bình đi sạc hai lần, chủ yếu mở đèn khi có ai đến quán mua hàng. Xài bình sạc nên ở đây chỉ vài hộ có được ti vi đen trắng, chiếc radio nhỏ nghe thời sự, những hộ không có bình điện thì tin tức thời sự xem như không biết.
Buổi tối, cồn nổi số 2 ánh đèn le lói đến 7 giờ, 8 giờ đêm rồi tắt. Sợ con nước dâng nhấn chìm rau màu, những người trồng rẫy thường thức đêm canh nước, ai có được cái đèn pin, đèn bình thì thuận tiện hơn, nhưng cũng không ít người đi canh nước bằng đèn dầu. Đèn dầu là phương tiện thắp sáng chủ yếu ở cồn, mọi sinh hoạt đêm đều từ ánh đèn nhỏ xíu này. Thương nhất là mấy em học sinh, ngoài đi đò sang sông học, các em còn phải tranh thủ học bài ở nhà vào ban ngày, nếu không kịp thì ban đêm học bằng đèn dầu. Dù ở biệt lập bên cồn, nhưng người dân vẫn rất quan tâm chuyện học của con em, trừ những ngày mưa, bão lớn không thể sang sông, các em mới nghỉ học.
Hơn 10 năm qua, người dân xứ cồn vẫn còn đi tiêu bằng “cầu lấp”. Mỗi nhà đóng cái thùng vuông bằng gỗ, vừa một người ngồi, ai muốn đi vệ sinh thì mang cái thùng vuông ấy theo, kèm với cái len và chui vào thùng “giải quyết” xong là đào đất lấp lại. Những đứa trẻ nhỏ, không thể tự dùng len đào đất thì người lớn phải đi theo lấp đất thay.
Anh Ninh - Tổ phó tổ 38, cồn nổi số 2 cho biết: “Cồn có 61 hộ, có 9 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Xét là xét vậy, nhưng chỉ có 4/61 hộ là hộ khá còn lại là hộ trung bình, còn nhiều khó khăn. Ai cũng siêng năng, dãi dầu mưa nắng vậy mà nghèo vẫn nghèo, có người làm riết nợ nần nhiều quá, đi xứ khác làm ăn”.
Ước mơ
Trời nắng gắt, anh Võ Văn Te ngụ tổ 38 vẫn cặm cụi bưng thúng phân đi rải dọc theo những luống củ sắn, hạt é. Nhà có 2 công đất, vụ rồi hộ anh gieo sắn, gieo bắp nhưng lỗ, nợ chồng chất. Người nhà thương cho mượn ít tiền, anh liền gieo vụ sắn mới. Mấy ngày nay, triều cường dâng, đêm đêm, vợ chồng anh phải ra canh nước lên xuống, nước nhiều thì dùng máy bơm, nước ít thì dùng thau để tát.
Anh Te cho biết, cực bao nhiêu cũng làm vì đổ vô mười mấy triệu đồng, nếu không nợ tiếp nợ, biết bao giờ mới trả hết. Trong cồn này duy chỉ còn khoảnh đất của anh Te và vài hộ nữa là nước lé đé, những hộ còn lại nước ngập đường, ngập sân nhà, người này muốn đi đến nhà người kia phải lội nước bì bõm.
Trồng rẫy - nghề chính của người dân xứ cồn
Chị Lê Thị Thu Hà và anh Bùi Văn Ninh thuê được 2 công đất để sạ mè, giá mè bấp bênh nên lỗ. Nhà có 5 người, để nuôi con, vợ chồng anh ngoài trồng rẫy còn làm mướn. Năm nay nước lũ thì ít, triều cường dâng thì nhiều, vậy là ngập hết, chỉ còn nhà anh không bị ngập. Bỏ đất trống thì tiếc, gieo sạ màu thì sợ ngập úng, vợ chồng anh Ninh chần chừ ngày này qua ngày khác. Không việc làm, trồng rẫy lỗ, một số gia đình gần nhà anh Ninh đi xứ khác làm thuê. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở cồn nổi cho biết, đa số người dân nơi đây nợ gối đầu, có nhiều hộ làm liên tiếp nhiều mùa rẫy chưa thoát khỏi cảnh nợ nần. Đất có nhưng làm không đủ ăn, ước mơ của người dân xứ cồn là có được chiếc xuồng nhỏ, mua được con bò nuôi, kiếm thêm thu nhập.
Chị Hà nói: “Gia đình tôi làm bữa nào ăn bữa đó, có khi trồng bắp thì bắp bị bệnh sọc lá, sạ mè thì mè rớt giá. Nhà trồng rẫy hơn 10 năm, không khá nổi, tôi ước có được chiếc xuồng đi giăng câu, giăng lưới kiếm thêm thu nhập nuôi mấy đứa con”.
Tiếng chiếc máy xới đất tành tạch chuẩn bị cho mùa vụ mới, anh Nguyễn Văn Nhanh tổ 38, cồn nổi số 2 nói với tôi: “Nước triều cường năm nay chắc còn phức tạp nhưng tôi quyết định sạ rau muống, hên thì có chút tiền, còn nước ngập hết thì thôi, để đất trống hoài xót xa lắm...”.
Ngồi trên chiếc đò chông chênh của anh Dũng trở về đất liền, tôi nhìn mãi về cồn nổi với nhiều suy tư. Hình ảnh những con người chất phác, cần cù quanh năm nhưng chưa thoát cảnh nghèo, rồi chuyện “cầu lấp”, ngọn đèn dầu,... ở xứ cồn nổi thật không khỏi chạnh lòng.
Cúc Phương