Những “thông điệp” trên mặt đường

Cập nhật ngày: 30/11/2015 04:03:51

Hàng ngày khi tham gia giao thông, thỉnh thoảng lại nhìn thấy trên mặt đường xuất hiện những nét vẽ trắng tinh. Thật buồn! Ai cũng biết đó là hiện trường của một vụ tai nạn giao thông (TNGT), nhưng không biết thực hư vụ tai nạn đó như thế nào? Ai là người có lỗi? Có ai chết không?... Và nỗi buồn cũng qua mau trên từng cây số...

Mỗi ngày, nơi nầy, nơi khác trên mặt đường lại có nhiều nét vẽ hơn (cũ có, mới có) như báo hiệu TNGT nhiều hơn, nhặt hơn, như minh chứng cho thông điệp buồn “Mỗi ngày, sáng ra có 30 người rời khỏi nhà nhưng chiều thì không bao giờ trở về nữa”. Không biết những người ra đi ấy thì thế nào, nhưng người còn ở lại là những nỗi đau không gì bù đắp được, đó là sự chia ly vĩnh viễn, đó là sự nghèo túng trong khó khăn nợ nần chồng chất, sự tật nguyền không chữa trị được...

Một buổi tối gần đây xem trên ti vi nói về hoàn cảnh của một gia đình vừa bị TNGT, có 6 người mất, còn lại 2 người bị thương nặng, trong nhà chỉ còn lại một phụ nữ ốm yếu, thất nghiệp và một cô gái nhỏ học lớp 4. Dù trí óc có tưởng tượng phong phú đến mấy đi nữa thì tôi vẫn không thể nghĩ ra gia đình ấy sẽ sinh sống như thế nào? Tương lai của họ ra sao? Và còn bao nhiêu hoàn cảnh như thế nữa mà những thông điệp trên mặt đường bắt chúng ta phải chứng kiến từng ngày.

Để phòng tránh TNGT, tôi thường dạy học trò của mình là khi tham gia giao thông, ngoài việc có ý thức chấp hành tốt “Luật giao thông đường bộ”, các em còn phải biết chú ý quan sát (bằng mắt) lắng nghe (bằng tai) để phòng tránh những tai nạn bất ngờ mà nguời khác có thể gây ra cho mình (do họ không tuân thủ luật giao thông). Nhưng nay ngồi nghĩ lại thì tôi thấy thật tức cười! Có quan sát tốt cách mấy thì cũng không thể tránh được những tai nạn như từ trên trời rớt xuống, từ dưới đất chui lên, như kiểu đang ngồi ăn trong quán bị xe tông vào cả gia đình tử nạn, đang nằm võng ngủ dưới hiên nhà bỗng bị cả chiếc xe tải đè lên, đang chạy xe bỗng biến mất dưới hố từ thần, đang chạy xe bỗng bị một khối sắt (cần cẩu) rơi xuống đè bẹp dúm, đang đi bỗng có nhánh cây xanh trên cao rơi vào đầu, đang dừng xe chờ tín hiệu đèn bỗng bị lùa cả vào gầm xe tải..., đang chạy bỗng cả chiếc xe to đùng lật ngang đè như rập chuột..

Mỗi ngày bật ti vi lên là tin tức về TNGT nghe như dồn dập: va quẹt có, nghiêm trọng có, đặc biệt nghiêm trọng có... và nguyên nhân thì có rất nhiều: khách quan có, chủ quan có, vô tình có, cố ý có... Đất nước không còn chiến tranh, nhân dân sống trong hòa bình nhưng mỗi năm nói như thời chiến - có hơn một “Sư đoàn” hi sinh (mỗi năm có khoảng 11.000 người tử vong do TNGT) và hậu quả của nó thì thật đáng để chúng ta suy ngẫm: Số tiền thiệt hại do TNGT mỗi năm có thể: xây 600.000 căn nhà tình nghĩa, xây 1.000 trường học khang trang, xây 20 bệnh viện hiện đại, giúp thoát nghèo cho hàng triệu gia đình, bắc 12 cây cầu dây văng như cầu Cao Lãnh, đủ tăng 3 lần lương dự kiến cho công nhân viên chức trong năm 2016.

Thật buồn cho một nước nghèo như Việt Nam còn phải gánh thêm chi phí trên.

Không phải TNGT chỉ có ở Việt Nam, mà nó là nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Chính vì vậy, năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ đã khởi xướng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ”. Đến ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa TNGT, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng tránh TNGT cũng như cầu siêu cho những người đã mất.

Năm 2015, Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT tổ chức vào ngày 15/11/2015 với khẩu hiệu “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại”. Trong năm 2015 còn có thêm khẩu hiệu hành động “3 phải và 3 không”. Đó là : khi điều khiển mô tô, xe gắn máy “Phải đi đúng phần đường, làn đường”, “Phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính”, “Phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy”; “Không điều khiển xe sau khi đã uống rượu, bia, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định.

TNGT - nỗi đau không của riêng ai! Nhà nước và nhân dân đã tìm mọi cách, mọi biện pháp để giảm thiểu vấn nạn nầy. Về phía Nhà nước dù có tuyên truyền, vận động dưới rất nhiều hình thức, dù có xử phạt thật cao nhằm răn đe những ai cố tình vi phạm luật giao thông, dù cố gắng xây dựng cầu đường tốt hơn, gắn nhiều biển báo hơn... nhưng nếu người dân (một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông) ý thức tham gia giao thông chưa cao, văn hóa giao thông chưa ngấm vào họ, còn đối phó trong việc học luật giao thông, việc thi bằng lái, việc đăng kiểm chất lượng phương tiện giao thông... thì những thảm họa giao thông luôn chực chờ từng giờ, từng ngày ở mọi nơi, mọi lúc. Về phía người dân, khi tham gia giao thông, lái xe có giỏi đến cỡ nào đi nữa thì vẫn không thể tránh được những tai nạn như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên (ngoại trừ thiên tai, bão lụt). Do vậy, Nhà nước nên thường xuyên kiểm tra, tu bổ cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường giám sát những hiện tượng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo ATGT ở cộng đồng. Cảnh sát giao thông phải tuần tra nhiều hơn trên đường nhằm tạo sự chú ý cho mọi người, từ đó họ có ý thức tốt khi tham gia giao thông.

Nhân Ngày cả thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT... Dù là nguyên nhân gì ? Lỗi của ai, vẫn xin chân thành gửi lời chia buồn đến gia đình 6.518 nạn nhân đã mất đi trong 9 tháng đầu năm 2015 (số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia). “Vì người ở lại” chúng ta phải tìm ra nhiều giải pháp hơn nữa trong việc kéo lùi TNGT, đem lại an toàn cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự bình yên và hạnh phúc cho mọi gia đình. Làm sao để trên từng nẻo đường của đất nước không còn những nét vẽ trắng tinh lạnh lùng đó nữa.

Tô Bá Trung

Không phải TNGT chỉ có ở Việt Nam, mà nó là nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Chính vì vậy, năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ đã khởi xướng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ”. Đến ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn