Huyện Cao Lãnh

Nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình

Cập nhật ngày: 24/08/2015 11:17:58

Nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011 - 2015, đến nay công tác DS-KHHGĐ của huyện Cao Lãnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận: nhận thức người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ được nâng cao, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và tự giác thực hiện quy mô gia đình nhỏ có 1 hoặc 2 con, tốc độ gia tăng DS tự nhiên giảm dần qua từng năm,...


Công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được ngành dân số huyện Cao Lãnh đặt lên hàng đầu

Cụ thể, năm khởi đầu thực hiện chương trình (năm 2011) toàn huyện có 77,89% cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai thì đến năm 2015 tăng lên 79,5%. Trong đó, đặt dụng cụ tử cung (đặt vòng) là biện pháp được nhiều chị em áp dụng. Thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc uống tránh thai cũng dần được chị em tiếp cận thực hiện. Số cặp vợ chống áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao, nhờ vậy tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện giảm đáng kể (năm 2014 còn 3,37%, giảm 0,42% so với năm 2011 và ước trong năm 2015 giảm còn 3,23%).

Thời gian qua, huyện còn thành lập và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân, Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3,... để truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về CSSKSS, KHHGĐ, đồng thời thực hiện tốt Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số. Hiện nay, huyện đã triển khai chương trình này đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Tính từ năm 2011 đến nay, chương trình đã lấy 2.865 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh gửi xét nghiệm sàng lọc. Những trường hợp trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD và trẻ suy giáp bẩm sinh, ngành chức năng cũng đã có những biện pháp can thiệp sớm để nâng cao sức khỏe cho trẻ. Chất lượng cung cấp và đáp ứng dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ đảm bảo thuận tiện, an toàn, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Các bà mẹ mang thai hầu hết đều đi khám thai định kỳ ít nhất 3 tháng/lần, thường xuyên đến các cơ sở y tế để được tư vấn chăm sóc và bảo vệ thai nghén. Đến nay không có bà mẹ tử vong liên quan đến thai sản.

Bà Nguyễn Kim Tuyết - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cao Lãnh cho biết, năm 2011, DS toàn huyện là 198.264 người, hiện nay tăng lên 224.527 người. Bình quân mỗi năm DS tăng thêm 5.252 người. Quy mô DS của huyện vẫn được đảm bảo ở mức ổn định vì mức sinh giảm qua từng năm. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh dần được khống chế. Năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109 bé trai/100 bé gái, thì năm 2015 giảm xuống 100,68 bé trai/100 bé gái. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Đạt được kết quả trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thông qua sự phối hợp với các ngành, mặt trận, đoàn thể, nâng cao ý thức người dân về công tác DS; củng cố nhân sự, cộng tác viên cơ sở; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên trách DS; tăng cường các dịch vụ DS-KHHGĐ đến các xã vùng sâu trong huyện. Đặc biệt là tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc vận động, truyền thông tạo môi trường thuận lợi về nhận thức và thực hiện chính sách DS của người dân trên địa bàn.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn