Nỗ lực trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động

Cập nhật ngày: 03/12/2014 13:34:33

Dạy nghề cho lao động nông thôn

Sau 5 năm (2010-2014) triển khai và thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều mô hình như: dạy nghề theo địa chỉ tại các doanh nghiệp, dạy nghề tại cơ sở đào tạo và cụm tuyến dân cư, truyền nghề tại các làng nghề ở từng địa phương đã được các cơ sở dạy nghề áp dụng. Do đó, đã có trên 55.700 lao động nông thôn được dạy nghề (chiếm 53% so với tổng số người được tuyển mới vào đào tạo nghề), trong đó: 25.300 người được các doanh nghiệp tuyển dụng; 7.763 người có việc làm thêm tại gia đình và được các đơn vị, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm; 13.432 người được bổ sung kỹ năng nghề để tiếp tục thực hiện các nghề mà họ đã làm có năng suất cao hơn; 1.661 người thành lập và tham gia vào tổ hợp tác xã.


Nhiều lao động qua đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân người lao động, giúp cho người học có được việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là đối với lao động nhàn rỗi sau mùa vụ. bên cạnh đó, các doanh nghiệp có được lực lượng lao động trẻ, có tay nghề, có năng suất, giảm những chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra hướng dẫn, đào tạo. Khi người lao động có việc làm thì không còn thời gian nhàn rỗi, không còn có những hành vi gây mất trật tự xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở địa phương; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn.

Mặc dù công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng chưa cao; ngành nghề đào tạo chủ yếu là nông nghiệp, tạo sản phẩm từ nông nghiệp, nên có giá trị thấp, thu nhập không nhiều; nguồn bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra không ổn định và không thường xuyên.

Sáp nhập Trung tâm, Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên

Việc sáp nhập đã tạo nên hệ thống đào tạo liên thông từ giáo dục thường xuyên qua đào tạo nghề, học sinh học nghề chưa tốt nghiệp phổ thông, các trường và trung tâm có thể chủ động dạy văn hóa cho người học nghề để bổ túc, hoàn thiện chương trình phổ thông trung học cho người học nghề, không như trước đây phải mời giáo viên từ các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường phổ thông trung học sang giảng dạy văn hóa. Học sinh phổ thông đang học bổ túc văn hóa có thể tham khảo các ngành nghề ngay tại cơ sở đào tạo để tìm hiểu, đăng ký học nghề một cách thuận lợi và phù hợp khả năng, năng lực của học sinh; có thể kết hợp vừa học văn hóa vừa học nghề; kết thúc chương trình bổ túc trung học, có thể có những học sinh được cấp chứng chỉ nghề.Với quy mô của các Trường và Trung tâm, đã bổ sung, cung cấp cơ sở vật chất trường lớp trong công tác giáo dục thường xuyên và ngược lại, bảo đảm tận dụng và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị. Giảm bớt đầu mối về tổ chức bộ máy cho các cơ quan quản lý ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn cần được từng bước khắc phục. Đó là do điều kiện và cơ chế hoạt động của hai hệ thống khác nhau, giáo dục thường xuyên thực hiện theo năm học, còn dạy nghề hoạt động theo năm hành chính, nên công tác xây dựng kế hoạch, báo cáo, đánh giá chưa được trùng khớp. Nhìn chung, thực hiện chủ trương sáp nhập Trung tâm, Trường dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên bước đầu đã có những thuận lợi trong các hoạt động giáo dục và dạy nghề.

Tái khởi động công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Để thực hiện thắng lợi Chương trình của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong giai đoạn 2014-2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chính sách hỗ trợ cho lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài; văn bản chỉ đạo vận động lao động ở Hàn Quốc hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn, đồng thời phối hợp với Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức hội nghị vận động các gia đình, người lao động có lao động làm việc ở Hàn Quốc về nước đúng hạn; tuyên truyền, triển khai và tuyển chọn ứng viên đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM JAPAN, sau khi được Bộ LĐ-TB&XH phân bổ cho tỉnh 100 chỉ tiêu. Có 10/12 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động; tổ chức 2 cuộc họp mặt và hội thảo giữa các thân nhân và người lao động đã đi làm việc ở Đài Loan, Nhật Bản về nước; phối hợp với thường trực Tỉnh đoàn họp bàn vận động thanh niên tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Kết quả, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 1.379 lao động tham gia đăng ký, trong đó 778 lao động đang học và gởi hồ sơ chờ xuất cảnh, 99 lao động đã xuất cảnh đi làm việc.

Có thể nói, việc tái khởi động chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã được sự đồng thuận cao của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở; việc ban hành chính sách hỗ trợ cho lao động, đã tạo điều kiện, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới; nhận thức của người lao động đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét trong việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài, số người tham gia nhiều và thực sự mong muốn và có nhu cầu đi làm việc.

Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, nên phần đông người lao động chưa nắm bắt được, trong khi đó tâm lý lo ngại về nợ nần của một bộ phận người lao động, thân nhân chưa được giải tỏa, nên số lượng vẫn còn ít. Một số thị trường có thu nhập cao (Nhật, Hàn, Đức...) có điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng khá khắc khe; thời gian chờ đợi và học tập lâu, nên một số lao động thường hay bỏ cuộc giữa chừng.

Để đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của tỉnh đối với công tác này; thông tin về các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn hỗ trợ cho lao động khi tham gia và tổ chức vận động người lao động tham gia; thông tin về hệ thống các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng, có năng lực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hạn chế không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để lừa đảo người lao động.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành cần quát triệt Chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương mình để thực hiện trong thời gian tới; kịp thời phát hiện, xử lý theo các quy định đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương, chính sách của tỉnh để lừa đảo người lao động. Tổ chức tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu tiếp nhận lao động làm việc ở các thị trường lao động, nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra đối với người lao động khi tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

TP

(Trích tham luận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn