Nỗi lo thế giới ảo trên mạng xã hội

Cập nhật ngày: 10/04/2015 13:12:29

Mạng xã hội đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mọi người, mọi lứa tuổi và học sinh (HS) cũng không ngoại lệ. Chơi face trở thành một hiện tượng thu hút hàng ngàn HS. Ẩn sau những cái bấm phím, bức ảnh mà các em đăng tải, những bậc phụ huynh ít biết rằng trên mạng xã hội, các em có một thế giới riêng sôi nổi, ồn ào.


Giao diện face của một em học sinh trung học cơ sở

Mới học lớp 6, nhưng em Lê Hoàng A.T. - HS Trường THCS Kim Hồng, TP.Cao Lãnh đã có thời gian chơi face 2 năm. Mỗi ngày em dành 60 phút lên face để chat với bạn bè. T. cho biết: “Lớp em 48 bạn, nhưng hơn nửa lớp đã chơi face, chúng em kết bạn với nhau và kết bạn với những bạn ngoài lớp. Trên đó có những tin tức cũng hay, nhưng cũng có những thông tin không tốt...”.

Đối với các em cấp THCS, chơi face để chat, để like, bình luận những hình ảnh, chia sẻ với các bạn cùng lớp. Nhiều em dùng máy ảnh chụp những hình ảnh rất dễ thương, những lời bình luận rất hồn nhiên, nhưng có những em sử dụng những câu từ phản cảm, thậm chí là câu nói tục. Các em thường sử dụng những ký tự, ngôn ngữ riêng của tuổi teen. Có em chỉ với một tấm ảnh có dán hình xăm, khi up lên chỉ trong vài phút đã có thể nhận được hàng chục lượt like, kèm theo những bình luận khen, chê, thậm chí những lời chửi tục tĩu.

Đôi khi không bằng lòng về điều gì đó hay không thích ai, các em lại đưa lên face để chửi nhau. Như em gái có nick N.T.Tau ngụ tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười chỉ vì một vụ va quẹt xe nhẹ, em lại chửi người khác không thương tiếc: “...Em qua đường thôi mà sao chị chen vô rồi quẹt nhau, rồi bảo em sai. 12 giờ trưa mặc đồ như đi hội, mặt chục lớp kem, tóc vàng như shit. Hai lúa mới lên thị trấn sao, lớn mà mở miệng ra táp như táp shit...”. Hay khi bị ai đó la rầy, em sẵn sàng chia sẻ trạng thái phản ứng: “...Đi chơi cũng chửi, ở nhà cũng chửi, sáng chửi, ngủ chửi. Lên fb cũng chửi, nhắn tin cũng chửi, làm gì cũng chửi. Chán nản lắm rồi...”. Hay nick Pink Tr. up một loạt hình buổi sáng, chia sẻ tâm trạng của em về việc học và gửi cho những người bạn khác: “Sáng t2, vãi đái con gà mái, chã muốn học chút nào...”.

Gia nhập thế giới ảo, các em có cuộc sống riêng, bên cạnh niềm vui được chia sẻ, được tiếp cận với kho thông tin vô hạn, các em cũng bị những trang face quảng cáo khuyến mãi, face với những phim ảnh đồi trụy và những dòng tin tức giựt gân vây quanh. Em Võ P.T. - HS lớp 6A, Trường THCS Kim Hồng, TP.Cao Lãnh nói: “Qua face em đọc tin tức trên mạng, vào trang cá nhân của những ca sĩ em thích, bạn bè chơi thân. Máy của em cũng chụp được hình nên hình nào đẹp em đều up lên được nhiều bạn bè like và thích. Đôi khi có những trang face xấu cũng được chia sẻ vào trang của em, có khi họ kêu em nạp tiền trên mạng, em rất sợ...”. Ở tuổi mới lớn, nhiều HS cấp THCS cũng mạnh dạn chia sẻ trạng thái “hẹn hò”, “kết hôn” trên face để vui chơi và câu like; các em hồn nhiên chia sẻ mỗi tháng em “kết hôn” từ 1 đến 2 lần, thích “kết hôn”, không thích thì “ly dị”, từ khi “kết hôn”, em được các bạn quan tâm nhiều hơn, like nhiều hơn.

Hiện tượng HS chơi face mang lại tiện ích trong liên kết, chia sẻ, cập nhật thông tin. Chính vì tâm trạng thích chia sẻ nên các em thường dành thời gian để online, để đọc tin, chia sẻ, up hình và đếm lượt like. Tâm lý háo hức trông chờ dễ dẫn các em đến trạng thái “nghiện” face; các em online liên tục, thậm chí đang học trong lớp cũng lén lút online; mỗi ngày, mọi địa điểm chụp ảnh đưa lên face; chỉ cần một chiếc điện thoại, các em có thể ngồi nhà cả ngày không cần phải ra ngoài tham gia các sinh hoạt khác.

Đề cập đến yếu tố tâm lý của HS khi các em tiếp cận với mạng xã hội, cô Vũ Thị Phương - Phó trưởng khoa Quản lý giáo dục - Tâm lý giáo dục Trường Đại học Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, đa số các em HS đều chơi mạng xã hội, bên cạnh những tiện ích, nó rất dễ làm người ta “nghiện”, vì khi lên mạng xã hội thấy được nhiều thông tin, từ đó tạo nên tâm lý trông đợi; có người có đến cả ngàn người bạn. Ở tuổi HS các em muốn thể hiện mình, tính cách hướng ngoại, có người muốn phơi bày cuộc sống cá nhân đến với mọi người... Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, các em dễ chểnh mảng việc học, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe, căng thẳng thần kinh. Một tác hại khác là trên mạng xã hội, đôi khi có những thông tin không chính xác, lặt vặt, nói năng tục tĩu... điều này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em. Để bảo vệ con em trước tác hại của mạng xã hội, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn, phân tích, kết bạn với con để quản lý các em, quản lý thời gian lên mạng xã hội và hướng dẫn các em thận trọng hơn khi kết bạn, đăng tải thông tin...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn