Nông dân Tam Nông an cư với Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố

Cập nhật ngày: 26/05/2016 09:58:04

Hội Nông dân huyện Tam Nông đã đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng mô hình Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố, giúp cho hàng trăm hội viên chưa có điều kiện cất nhà có được ngôi nhà an toàn, khang trang, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.


Ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn tham gia mô hình Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố

Thực hiện chủ trương của Hội Nông dân tỉnh và Huyện ủy về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, năm 2012, Hội Nông dân huyện Tam Nông đã tổ chức thực hiện mô hình Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố. Ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết: “Lúc đầu, huyện chỉ tổ chức mô hình với 1 tổ điểm, chưa đến 10 thành viên nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Qua mỗi vụ mùa, lại có một tổ viên có được căn nhà kiên cố làm động lực để họ an tâm lao động. Thấy được hiệu quả của mô hình, đông đảo hội viên nông dân tham gia và đến nay toàn huyện đã có 47 tổ với 484 thành viên, đặc biệt có 261 căn nhà kiên cố, bán kiên cố được xây dựng thay cho những căn nhà tạm”.

1 năm, các tổ hùn vốn cất nhà tổ chức bốc thăm 2 hoặc 3 lần (tính theo số vụ sản xuất lúa trong năm) để chọn người nhận vốn. Tùy điều kiện từng tổ, mỗi thành viên sẽ góp vào thấp nhất là 3 triệu đồng/đợt và cao nhất là 8 triệu đồng/thành viên/đợt. Xã Phú Hiệp là một trong những địa phương dẫn đầu về mô hình Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố của huyện với 5 tổ, cất được trên 30 căn nhà kiên cố. Ngôi nhà mới cất xong gần đây nhất trên địa bàn xã là của chú Nguyễn Văn Trường - tổ viên Tổ hùn vốn ấp K12. Cuối năm 2015, chú Trường được xét chọn nhận được 80 triệu đồng, cộng với vốn tích lũy, chú Trường cất được căn nhà tường khang trang, nền gạch bông với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Trong niềm vui có nhà mới, chú Trường chia sẻ: “Trước đây nhà tôi lụp sụp lắm. Nhờ mô hình hùn vốn mà tôi cất được nhà. Giờ ở trong nhà mới mà đôi lúc tôi còn ngỡ không phải nhà mình”.

Cách nhà chú Trường chưa đầy cây số cũng có một ngôi nhà mới tươm tất, được cất từ mô hình hùn vốn, đó là nhà của cô Bùi Thị Bích Thủy. Ngôi nhà của cô Thủy được cất vào đầu năm 2015, khi cô nhận được số tiền 40 triệu đồng. Cô Thủy cho biết: “Trước đây, mỗi khi trời giông gió, tôi nơm nớp lo sợ nhà sập. Nhờ tham gia tổ hùn vốn cất nhà của Hội Nông dân, tôi mới cất được căn nhà mới, chứ không thì với mấy công ruộng, không biết bao giờ tôi mới cất được nhà kiên cố”.

Với số tiền 40 triệu đồng nhận được từ Tổ hùn vốn cất nhà và số tiền dành dụm từ việc nuôi cá lóc, căn nhà sàn làm từ gỗ bạch đàn đã xiêu vẹo của gia đình chú Bùi Văn Đóng (ngụ ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ) cũng được thay bằng căn nhà tường khang trang, nền lót gạch bông, ngang 5m dài 12m với số tiền trên 200 triệu đồng. Dọn về nhà mới trong niềm phấn khởi, chú Đóng nói: “Ở quê, một gia đình 5, 6 thành viên mà chỉ làm vài công đất hoặc nuôi 1, 2 hầm cá, để có đủ tiền tích lũy cất ngôi nhà kiên cố là đều rất khó. Tôi thấy mô hình hùn vốn cất nhà rất thiết thực, có thể giúp được những gia đình khó khăn về nhà ở có điều kiện xây dựng được nhà kiên cố, tạo cho họ động lực phấn đấu lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Ông Trần Quốc Dũng cho biết thêm, nhờ các Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố mà 4 năm qua, nhiều nhà cây tạm bợ trên địa bàn huyện Tam Nông đã được thay bằng những căn nhà tường khang trang, giúp nhiều nông dân an cư, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần lớn vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn